Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với ngành du lịch Cuba
Ngày 14/11, chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump đã có động thái gia tăng sức ép kinh tế nhằm vào chính quyền La Havana khi bổ sung thêm một số địa điểm hút khách du lịch của Cuba vào danh sách những nơi mà du khách Mỹ không được đặt chân tới.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, bản danh sách các công ty Cuba bị nước này hạn chế làm ăn với công dân Mỹ đã được bổ sung thêm 26 cái tên khác, gồm 16 khách sạn được cho là “chứa đựng các thực thể phụ thuộc quyền kiểm soát của các cơ quan hay các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quân đội, tình báo và an ninh của Cuba”. Cụ thể, 26 thực thể này gồm khách sạn 5 sao mới xây dựng Iberostar Grand Packard và Paseo del Prado tại trung tâm lịch sử Old Havana thuộc thủ đô La Havana, cùng các trung tâm mua sắm khác.
Kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ D.Trump đã có những động thái đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama và siết chặt các lệnh trừng phạt đã tồn tại từ hơn 50 năm qua nhằm chống lại Cuba. Giới phân tích nhận định, các biện pháp gây sức ép mới nhất của Mỹ được đưa ra nhằm mục tiêu cắt giảm nguồn thu của Cuba từ các hoạt động du lịch vốn đang bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2018.
Dù các lệnh hạn chế du khách mà Mỹ đưa ra được áp dụng tại một số địa điểm ở Cuba, song việc đi du lịch tới quốc đảo Caribe này vẫn được xem là hợp pháp. Theo số liệu thống kê, mỗi năm, có hàng trăm con tàu và các chuyến bay thương mại Mỹ chở theo hàng trăm nghìn du khách nước này đặt chân tới Cuba.
Trong bản báo cáo thường niên trình lên Liên hợp quốc, Cuba cho biết nền kinh tế của nước này đã bị thiệt hại khoảng 4,3 tỷ USD tính từ tháng 4/2017 – tháng 3/2018 do các lệnh cấm vận của Mỹ.
Đầu tháng 10/2018, Quốc hội Cuba đã hối thúc Mỹ chấm dứt các biện pháp bao vây tài chính và kinh tế nhằm vào Cuba, đồng thời kêu gọi các nước ủng hộ bản dự thảo nghị quyết do Cuba đệ trình lên Liên hợp quốc liên quan tới vấn đề này.
Trong phiên họp ngày 1/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết thường niên lần thứ 27 kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba. Bản nghị quyết được thông qua với 189 phiếu ủng hộ, 2 phiếu trắng và 2 phiếu chống của Mỹ và Israel. Mặc dù được thông qua nhưng bản nghị quyết không mang tính ràng buộc và việc gỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài nhiều thập kỷ qua đối với Cuba là vấn đề do Quốc hội Mỹ quyết định.
Tại một phiên họp tương tự của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2017, 191 quốc gia thành viên đã đồng loạt lên án chính sách của Mỹ đối với Cuba, trong khi chỉ có 2 nước là Israel và Mỹ phản đối việc bãi bỏ các lệnh cấm vận nhằm chống lại Cuba./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()