Mỹ tiếp tục “dấn thân vào châu Phi” sau hành động hào phóng của Nga
Sau hành động hào phóng của Nga khi xóa khoản nợ lên tới 20 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã “tức tốc” thực hiện chuyến công du kéo dài 1 tuần tới 3 nước ở “Lục địa đen” gồm Ghana, Tanzania và Zambia.
Sự hiện diện của bà Kamala Harris tại các nước châu Phi là một phần trong cam kết của Tổng thống Joe Biden về sự “dấn thân vào châu Phi”.
Giúp tạo ra sự tương phản với những gì Mỹ có thể mang lại
Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy cam kết với châu Phi diễn ra sau khi Trung Quốc và Nga tăng cường đầu tư và hiện diện trong khu vực. Các chuyến thăm của các quan chức cấp cao như Phó Tổng thống Kamala Harris giúp tạo ra sự tương phản với những gì Mỹ có thể mang lại cho lục địa này. Bà Kamala Harris là nhân vật cấp cao mới nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden thực hiện chuyến công du châu Phi.
Đệ nhất phu nhân Jill Biden đã đến Namibia và Kenya vào đầu tháng này trong khi Ngoại trưởng Anthony Blinken công du Ethiopia và Niger hồi tuần trước. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen có chuyến thăm Senegal, Zambia và Nam Phi hồi đầu năm nay.
Theo chương trình nghị sự, nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ có các cuộc gặp với Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo, Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan và Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema – những vị nguyên thủ mà bà đã trao đổi tại Washington D.C trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Phi vào tháng 12 vừa qua.
Trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo, sinh viên và chủ doanh nghiệp, bà Kamala Harris dự kiến nói về các vấn đề liên quan đến dân chủ, công nghệ, tăng trưởng kinh tế, an ninh lương thực và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo các quan chức chính quyền Mỹ, chuyến đi cũng mang dấu ấn cá nhân của bà Kamala Harris, với việc bà đến thăm Thủ đô Lusaka của Zambia, nơi bà từng đến khi còn nhỏ. Ông của bà, vốn là một công chức ở Ấn Độ, từng làm việc về các vấn đề tái định cư cho người tị nạn ở quốc gia này. Nữ Phó Tổng thống cũng sẽ tham quan Lâu đài nô lệ Cape Coast ở Ghana, phát biểu về sự tàn bạo của chế độ nô lệ cũng như cộng đồng người châu Phi.
Sự hiện diện của bà Kamala Harris tại các nước châu Phi là một phần trong cam kết của Tổng thống Joe Biden về sự “dấn thân vào châu Phi”. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng dự kiến đến thăm lục địa này trong năm nay.
Một quan chức cấp cao của Mỹ khẳng định, quan hệ giữa Washington và châu Phi là “quan hệ đối tác” chứ không phải mang tính “một chiều”, hay “áp đặt các giải pháp” và cũng không chỉ là “viện trợ nước ngoài hay hỗ trợ nhân đạo”. “Đó là sự đầu tư lẫn nhau và cùng nhau tăng trưởng kinh tế, quan hệ đối tác sáng tạo và kết nối sâu sắc giữa người dân Mỹ và người dân châu Phi”.
Theo ông Mark Green, cựu Đại sứ Mỹ tại Tanzania, người đứng đầu Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ dưới thời chính quyền ông Donald Trump, Trung Quốc và Nga đang cố gắng “xây dựng sự phụ thuộc” còn Mỹ “tìm cách xây dựng sự tự lực”. Song trọng tâm của Washington phải là lắng nghe các nhà lãnh đạo về nhu cầu của lục địa hơn là chiến lược địa chính trị của Mỹ.
Chia sẻ quan điểm này, các quan chức Nhà Trắng tuyên bố những chuyến thăm châu Phi hướng tới việc hình thành các mối quan hệ hơn là chống lại ảnh hưởng của các quốc gia khác. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi không yêu cầu các đối tác của mình ở châu Phi lựa chọn. Chúng tôi muốn mở rộng các lựa chọn của châu Phi chứ không phải giới hạn chúng”.
Và sự hào phóng của Nga
Hồi đầu tuần qua, tại Moscow, đã diễn ra Hội nghị Nghị viện Quốc tế “Nga – châu Phi trong một thế giới đa cực”. Sự kiện này thu hút sự tham gia của các phái đoàn tới từ khoảng 40 quốc gia châu Phi, trong đó có hơn 200 nghị sĩ thuộc nhiều cấp bậc khác nhau.
Mô tả các quốc gia châu Phi là “những người bạn của Nga theo nghĩa đầy đủ của từ này”, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin khẳng định Moscow “quyết tâm tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác chiến lược” với các quốc gia châu Phi, trong khi nhiều công ty tư nhân và nhà nước của Nga đang tích cực đầu tư vào lục địa này.
“Chúng tôi sẵn sàng cùng nhau định hình chương trình nghị sự toàn cầu, cùng hợp tác để tăng cường quan hệ công bằng và bình đẳng giữa các quốc gia, đồng thời cải thiện các cơ chế hợp tác kinh tế cùng có lợi”, ông nói.
Người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý Nga và các quốc gia châu Phi sát cánh cùng nhau chống lại “hệ tư tưởng tân thực dân” do một số cường quốc trên thế giới áp đặt: “Nhiều quốc gia ở châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ có quan điểm tương tự và cùng nhau, chúng ta chiếm đa số trên thế giới”.
Tổng thống Vladimir Putin đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng, châu Phi sẽ trở thành một trong những đầu tàu của thế giới đa cực mới. Ông nhấn mạnh: “Các quốc gia châu Phi đang không ngừng gia tăng sức nặng và vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế, đồng thời ngày càng khẳng định mình một cách tự tin hơn cả về chính trị và kinh tế. Chúng tôi tin rằng, châu Phi sẽ trở thành một trong những khu vực đi đầu trong trật tự thế giới đa cực mới đang nổi lên”.
Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin nhấn mạnh mối quan hệ giữa Nga và các nước châu Phi luôn được xây dựng trên cơ sở bình đẳng: “Cần nhấn mạnh rằng Nga và các nước châu Phi là đồng minh và đối tác bình đẳng. Quan hệ của chúng ta luôn được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Cũng trong bài phát biểu tại sự kiện này, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định: “Nga đã xóa nợ cho các quốc gia châu Phi với số tiền hơn 20 tỷ USD”. Theo ông, kim ngạch thương mại giữa Nga và các nước châu Phi đang tăng lên hằng năm, đạt gần 18 tỷ USD vào năm 2022. “Kim ngạch thương mại song phương đang tăng lên hàng năm, đạt gần 18 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Việc chuyển đổi mạnh mẽ sang các loại tiền tệ quốc gia trong thanh toán tài chính và thiết lập các chuỗi vận chuyển, hậu cần mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại song phương”, ông nói. Người đứng đầu Điện Kremlin cho biết thêm rằng, Nga đang xem xét kế hoạch gửi ngũ cốc “miễn phí” tới các quốc gia ở châu Phi, đặc biệt là những nước có nhu cầu lớn nhất.
Tuyên bố trên được đưa ra hai ngày sau khi Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cho phép xuất khẩu nông sản của Ukraine qua Biển Đen trong một thỏa thuận do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, được gia hạn thêm 60 ngày. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh, quyết định gia hạn thỏa thuận của Moscow “được hướng dẫn bởi nhu cầu của các nước châu Phi”.
Theo LHQ, kể từ khi sáng kiến được đưa ra vào tháng 7/2022, khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm khác đã được gửi đến 45 quốc gia, giúp ổn định giá lương thực toàn cầu. Thỏa thuận này bao gồm một biên bản ghi nhớ giữa Nga và LHQ, với mục tiêu giải phóng xuất khẩu phân bón.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng, từ tháng 8/2022 – 3/2023, “827 tàu đã rời Ukraine, trong đó chỉ có 3 triệu tấn ngũ cốc được gửi đến châu Phi và 1,3 triệu tấn đến các nước nghèo nhất ở châu Phi”, trong khi “gần 45% được chuyển đến những quốc gia châu Âu giàu có”.
Trước thực trạng đó, Tổng thống Vladimir Putin cam kết rằng: “Nếu chúng tôi quyết định không gia hạn thỏa thuận này thêm 60 ngày, chúng tôi vẫn sẵn sàng chuyển toàn bộ khối lượng đã được gửi từ Nga đến các nước châu Phi trong giai đoạn trước, đặc biệt là tới những nước có nhu cầu, miễn phí”.
Về phần mình, đại diện của các nước châu Phi tham gia hội nghị đã nói về sự phát triển hợp tác chung với Nga, đồng thời bình luận về mối quan hệ của họ với các nước phương Tây đang phát triển như thế nào. Phó Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Uganda Edson Rugumayo lưu ý rằng, thái độ của các nước châu Phi đối với Nga và các cường quốc phương Tây có sự khác biệt liên quan đến các vấn đề về quá khứ thuộc địa của châu lục này.
“Khi chúng tôi nhìn vào nước Nga, chúng tôi nhìn thấy những người bạn. Nhưng khi nhìn vào hầu hết các nước phương Tây, chúng tôi lại thức tỉnh bởi những vết thương đã gây ra cách đây vài năm: chế độ nô lệ và tất cả các vấn đề thuộc địa mà chúng tôi gặp phải và chúng tôi không thể tự giải quyết”, ông lưu ý.
Nguồn:https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-tiep-tuc-dan-than-vao-chau-phi-sau-hanh-dong-hao-phong-cua-nga-i687935/
Ý kiến ()