Mỹ siết chặt thuế chống phá giá đối với sản phẩm gỗ của Canada
Ngày 27/6, Bộ Thương mại Mỹ đã đánh thuế chống bán phá giá mới đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm của Canada. Đây là động thái leo thang mới nhất trong tranh cãi thương mại giữa hai nước bắt đầu bằng việc Washington áp một loạt thuế ban đầu đối với hàng xuất khẩu từ nước láng giềng phương Bắc của mình.
Bộ Thương mại Mỹ thông báo kết quả sơ bộ của cuộc điều tra chống bán phá giá cho thấy sản phẩm gỗ xẻ của Canada được bán với giá thấp hơn giá thông thường từ 4,59-7,72%. Do vậy, bộ trên đánh mức thuế tương tự như vậy đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm của Canada. Nếu cộng với mức thuế chống trợ cấp mà Mỹ đánh vào sản phẩm gỗ xẻ của Canada hồi tháng 4 vừa qua thì tổng mức thuế đối với sản phẩm này lên tới từ 17,41% đến 30,88%. Tuy nhiên, mức thuế bổ sung trên không áp dụng đối với sản phẩm gỗ xẻ đến từ 3 tỉnh của Canada là Newfoundland & Labrador (Niu Phao-len và La-bra-đô), Nova Scotia (Nô-va Xcô-ti-a) và đảo Prince Edward (Prin Ét-uốt). Bộ Thương mại Mỹ thông báo sẽ ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ mềm của Canada vào ngày 7/9 tới.
Phản ứng trước thông báo trên của Mỹ, Chính phủ Canada cho rằng đây là mức thuế phạt bất công, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực bảo vệ ngành công nghiệp gỗ mềm của nước này, kể cả thưa kiện ra tòa.
Trước đó, ngày 28/4, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp thuế chống trợ cấp lên tới 24% đối với gỗ mềm nhập khẩu từ Canada khi cho rằng Canada trợ giá không công bằng cho các doanh nghiệp khai thác và chế biến gỗ trong nước để tạo lợi thế xuất khẩu. Trước tác động từ quyết định này của Mỹ đối với ngành công nghiệp gỗ xẻ trong nước, Chính phủ Canada đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 867 triệu CAD (tương đương 670 triệu USD) cho ngành công nghiệp này.
Cuộc tranh cãi thương mại về gỗ mềm giữa Canada và Mỹ đã kéo dài 19 tháng bất chấp những nỗ lực đàm phán liên tiếp giữa hai nước. Phía Canada tuyên bố nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận, Canada sẽ xúc tiến các thủ tục pháp lý khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có thể cả trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Theo ước tính, hiện có khoảng 230.000 người Canada đang làm việc trong ngành lâm nghiệp và có tới 70% gỗ xẻ của Canada xuất sang thị trường Mỹ.
Trong khi đó, các cuộc điều tra về chống trợ cấp và chống bán phá giá của Mỹ đã ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gỗ mềm của Canada sang Mỹ trị giá 5,66 tỷ USD, đồng thời cho thấy Washington theo đuổi lập trường cứng rắn về thương mại với Canada trong bối cảnh Mỹ, Canada và Mexico chuẩn bị đàm phán lại về NAFTA dự kiến bắt đầu vào ngày 16/8 tới./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()