Mỹ siết chặt quy định đầu tư nước ngoài để bảo đảm an ninh quốc gia
Các quy định mới sẽ mở rộng quyền hạn của tổng thống trong việc rà soát và ngăn chặn các thương vụ đầu tư nước ngoài nhạy cảm có thể đe dọa an ninh quốc gia.
Các quan chức Mỹ ngày 13/1 cho biết, một tháng nữa các quy định mới nghiêm ngặt hơn của nước này về đầu tư nước ngoài sẽ có hiệu lực, theo đó mở rộng quyền hạn của tổng thống trong việc rà soát và ngăn chặn các thương vụ đầu tư nước ngoài nhạy cảm có thể đe dọa an ninh quốc gia .
Các quy định mới triển khai những cải cách về luật đầu tư nước ngoài được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2018 – được cho là phản ánh những quan ngại của Washington về hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc, mặc dù các quan chức Mỹ khẳng định các biện pháp mới không nhằm cụ thể vào bất kỳ nước nào.
Các quy định mới tăng quyền hạn cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS), cơ quan được thành lập vào những năm 70 của thế kỷ trước với trọng trách hỗ trợ tổng thống thẩm định các dự án đầu tư nhạy cảm nhằm đảm bảo không gây hại an ninh quốc gia.
Theo điều chỉnh mới, CFIUS sẽ có quyền thẩm định tất cả các khoản đầu tư liên quan đến các công nghệ và cơ sở hạ tầng then chốt cũng như dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Trong một thông cáo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các quy định mới cải thiện quy trình rà soát hoạt động đầu tư trong khi vẫn khuyến khích nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Sau khi công bố dự thảo các quy định mới vào tháng 9/2019, giới chức Mỹ đã điều chỉnh các quy định cuối cùng nhằm làm rõ một số khái niệm và quy định, bao gồm cách thức áp dụng đối với các khoản đầu tư và các địa điềm gần các cơ sở quân sự.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, ba nước đồng minh của Mỹ bao gồm Australia, Canada và Anh được hưởng quy chế đặc biệt, theo đó hạn chế áp dụng các quy định mới đối với các nước này. Danh sách các nước được miễn giảm có thể được mở rộng trong tương lai./.
Ý kiến ()