Mỹ rút binh sĩ khỏi Afghanistan: Kế hoạch nhiều rủi ro
Khi hạn chót (ngày 11/9/2021) rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan được công bố, “kế hoạch rời đi” của Tổng thống Joe Biden được kỳ vọng chấm dứt cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài dài nhất trong lịch sử Mỹ. Song, tình trạng bạo lực tại quốc gia Nam Á gia tăng cùng tiến độ rút quân của Lầu năm góc đã chỉ ra những rủi ro, đẩy Mỹ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Câu chuyện về an ninh Afghanistan và kế hoạch rút lực lượng Mỹ khỏi quốc gia Nam Á là chủ đề thảo luận chính trong cuộc hội đàm cấp cao tại Nhà trắng ngày 25/6 và cũng là lần gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden với hai nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn ở Afghanistan là Tổng thống Ashraf Ghani và Chủ tịch Hội đồng hòa giải tối cao Abdullah Abdullah.
Trong thông cáo trước thềm cuộc gặp, Nhà trắng nêu rõ, Tổng thống Biden và các lãnh đạo Afghanistan tập trung thảo luận về tiến trình hòa bình đang diễn ra tại quốc gia Nam Á và sự hỗ trợ của Mỹ sau ngày 11/9 tới, thời điểm lực lượng nước ngoài không còn hiện diện tại Afghanistan và ghi dấu mốc quan trọng đối với tương lai của Afghanistan.
Với Mỹ, hạn chót là ngày 11/9/2021 của kế hoạch rút quân mang hàm ý biểu tượng, đánh dấu tròn 20 năm xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng nhằm tòa tháp đôi ở New York, sự kiện khiến chính quyền Mỹ khi đó phát lệnh đưa quân tới Afghanistan và sa lầy tại chiến trường Nam Á.
Trong hai thập niên qua, các chính quyền Mỹ đều công bố lộ trình rút quân, song chưa kế hoạch nào được hoàn tất. Bởi thế, việc Tổng thống Biden ấn định thời điểm đưa toàn bộ binh sĩ Mỹ về nước được hoan nghênh, giúp Mỹ kết thúc cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài dai dẳng và “hao người tốn của”.
Song, trong bối cảnh tình hình Afghanistan hiện nay, việc Mỹ ấn định hạn chót rời đi lại không hẳn là tin tốt. Yêu cầu toàn bộ lực lượng nước ngoài rời khỏi Afghanistan là một điều khoản chốt trong thỏa thuận lịch sử Mỹ ký với lực lượng Taliban hồi tháng 2/2020. Đổi lại, Taliban đồng ý giảm bạo lực, tham gia tiến trình hòa bình quốc gia, cắt mối dây liên hệ với các nhóm cực đoan và bảo đảm Afghanistan không là nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố. Kế hoạch rút quân của Tổng thống Biden được triển khai theo cam kết trong thỏa thuận với Taliban, cũng nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiến trình đối thoại giữa Chính phủ Afghanistan với Taliban.
Thực tế, không thể loại bỏ khả năng “khoảng trống lớn” bị bỏ lại sau khi quân đội Mỹ và các nước NATO, lực lượng hỗ trợ bảo đảm an ninh suốt 20 năm qua, rút hoàn toàn khỏi Afghanistan. Taliban tăng cường các cuộc tiến công, giao tranh với các lực lượng chính phủ, mở rộng ảnh hưởng và kiểm soát các vùng lãnh thổ.
Theo số liệu Lầu năm góc công bố, phần đông trong số 2.500 binh sĩ (ước tính tại thời điểm kế hoạch rút quân được công bố), cùng nhiều thiết bị quân sự của Mỹ đã được chuyển ra khỏi Afghanistan. Trong khi đó, theo đặc phái viên Liên hợp quốc về Afghanistan, sau hàng loạt chiến dịch tiến công kể từ tháng 5/2021, Taliban đã chiếm giữ hơn 50 trong tổng số 370 quận, huyện trên khắp Afghanistan.
Bạo lực gia tăng tại Afghanistan trong bối cảnh lực lượng Mỹ khẩn trương rời đi dấy lên lo ngại quốc gia Nam Á bị đẩy trở lại cảnh nội chiến diện rộng, xóa bỏ nỗ lực hòa bình và thành quả của tiến trình dân chủ trong hai thập niên vừa qua. Quan ngại về Taliban trỗi dậy, với sự hậu thuẫn của các nhóm cực đoan và khủng bố lại nổi lên. Trong khi đó, cuộc đối thoại nội bộ Afghanistan dường như đi vào ngõ cụt, chỉ khi mới được khởi động. Ngay cả chủ đề chính và lộ trình trong chương trình nghị sự đàm phán vẫn chưa được thống nhất.
Kế hoạch rút quân rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trước sức ép do bạo lực gia tăng tại Afghanistan và nhiều ý kiến hoài nghi trong chính nước Mỹ, khi tiến trình rời đi ngày càng bộc lộ nhiều rủi ro, với cả quốc gia Nam Á và “xứ cờ hoa”.
Ý kiến ()