Mỹ - Nhật - Hàn bàn cách đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán
Theo Yonhap, giữa lúc xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân, ngày 12-9, đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã lên đường tới Nhật Bản để tham gia các cuộc hội đàm 3 bên cũng như song phương với các đại diện của Mỹ và Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên.
“Tôi kỳ vọng rằng những cuộc hội đàm sắp tới sẽ là một bước đi hiệu quả nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông Noh Kyu-duk chia sẻ với báo giới trước khi khởi hành đến Nhật Bản.
Cũng theo Yonhap, trong chuyến công du kéo dài 3 ngày này, đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc sẽ tham dự cuộc gặp 3 bên với những người đồng cấp Mỹ (ông Sung Kim) và Nhật Bản (ông Takehiro Funakoshi). Nội dung cuộc đàm phán không nằm ngoài mục tiêu thảo luận về vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là các biện pháp nhằm tăng cường phối hợp chính sách tái can dự với Bình Nhưỡng.
Đặc phái viên hạt nhân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong cuộc gặp 3 bên ở Seoul ngày 21-6-2021. Ảnh: Reuters |
Một quan chức ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ thêm, trong bối cảnh Triều Tiên gặp nhiều khó khăn kinh tế và chịu những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19, các cuộc hội đàm giữa các đặc phái viên Mỹ-Nhật-Hàn sẽ tập trung vào công tác viện trợ nhân đạo và các biện pháp khuyến khích khác để thúc đẩy Bình Nhưỡng trở lại bàn đối thoại. Quan chức này nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất lúc này là phải bắt đầu các cuộc đàm phán với Triều Tiên”.
Tháng 6 vừa qua, 3 đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đã gặp nhau trong cuộc họp 3 bên được tổ chức tại thủ đô Seoul.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang thấy rõ sự cấp thiết của việc nối lại đối thoại với Triều Tiên sau khi của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo cho biết một lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên đang có dấu hiệu hoạt động trở lại. Theo báo cáo mà IAEA công bố hồi tháng 7 vừa qua, Triều Tiên nhiều khả năng đã khởi động lại hoạt động tại một lò phản ứng hạt nhân trong tổ hợp hạt nhân chính lâu đời của nước này ở Yongbyon để sản xuất plutoni, vật liệu có thể giúp chế tạo vũ khí hạt nhân. Lò phản ứng này dường như đã ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 12-2018 đến đầu tháng 7 năm nay.
Theo nhận định của các nhà quan sát, động thái nói trên có thể là chiến lược của Triều Tiên nhằm có thêm đòn bẩy trước các cuộc đàm phán trong tương lai với Mỹ. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng hoạt động này chỉ đơn thuần là sửa chữa hoặc bảo dưỡng cơ sở hạt nhân.
Mặc dù các quan chức của Mỹ và Hàn Quốc đã tái khẳng định cam kết chung trong việc theo đuổi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng con đường ngoại giao, song những diễn biến gần đây chứng tỏ các bên khó có thể đạt được sự đồng thuận trong thời gian ngắn. Điển hình như cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Triều Tiên phát đi tuyên bố cho biết, nước này sẽ tăng cường khả năng “răn đe hạt nhân” đủ mạnh để đối phó và loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài. Đáp lại, Chỉ huy Bộ tư lệnh Phương Bắc (NORTHCOM) và Bộ chỉ huy Phòng thủ Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) của Mỹ khẳng định Washington sẵn sàng đáp trả bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên nếu quốc gia này quyết định thực hiện một hành động “khiêu khích”.
Cũng chính vì lý do đó nên dư luận hy vọng cuộc đàm phán lần này giữa các đặc phái viên hạt nhân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tìm được hướng đi mới, đủ sức thuyết phục tất cả các bên liên quan để có thể cùng trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ý kiến ()