Mỹ, Nhật củng cố quan hệ song phương sau khi thủ tướng Abe từ chức
Lãnh đạo và giới chức cấp cao hai nước Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành hàng loạt các động thái ngoại giao nhằm củng cố quan hệ song phương và thể hiện vai trò đối với an ninh khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong cuộc gặp tại New York, Mỹ ngày 25/9/2019.
Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thông báo quyết định từ chức vì lý do sức khỏe, lãnh đạo và giới chức cấp cao hai nước Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành hàng loạt các động thái ngoại giao nhằm củng cố quan hệ song phương và thể hiện vai trò đối với an ninh khu vực.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong ngày 31/8, Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi , thảo luận về mối quan hệ an ninh song phương, đặc biệt là các nỗ lực nhằm duy trì trật tự dựa trên các quy tắc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng hai nước cũng tái khẳng định sức mạnh của liên minh Mỹ-Nhật, cũng như cam kết chung nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh tại khu vực cũng như trên thế giới.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Abe Shinzo đã có cuộc điện đàm dài 30 phút với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của ông Abe với một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ sau quyết định từ chức vì lý do sức khỏe.
Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật đã thảo luận về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc những năm 70 và 80 của thế kỷ trước và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thủ tướng Abe khẳng định liên minh giữa hai nước sẽ vẫn duy trì kể cả sau khi ông từ chức.
Trong khi đó, ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Mark Esper tại đảo Guam, thảo luận về hợp tác an ninh cũng như ngăn chặn “khoảng trống về quyền lực” trong bối cảnh Mỹ sắp diễn ra bầu cử tổng thống và Nhật Bản chưa có Thủ tướng mới.
Ngày 28/8 vừa qua, Thủ tướng Abe Shinzo đã quyết định từ chức vì lý do sức khỏe sau khi trở thành thủ tướng có thời gian tại nhiệm liên tục lâu nhất Nhật Bản với 2.799 ngày cầm quyền liên tiếp.
Theo kế hoạch, ngày 14/9 tới, đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền sẽ tiến hành bầu chủ tịch mới, người sau đó sẽ được Quốc hội bầu để giữ chức thủ tướng.
Người đứng đầu chính phủ mới tại Nhật Bản sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi phải xử lý rất nhiều vấn đề như khống chế dịch COVID-19, vực dậy nền kinh tế đang suy thoái, giải quyết vấn đề già hóa dân số, cũng như hàng loạt vấn đề đối ngoại khác…/.
Ý kiến ()