Mỹ không ủng hộ ứng cử viên Nigeria làm Tổng Giám đốc WTO
Chỉ sáu ngày trước cuộc bầu cử của Mỹ, Mỹ đã làm khó Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi không ủng hộ bà Ngozi Okonjo-Iweala trở thành Tổng Giám đốc tiếp theo của tổ chức này.
Nỗ lực của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chọn một nhà lãnh đạo mới đã rơi vào tình trạng không chắc chắn, sau khi Mỹ không ủng hộ ứng cử viên người Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala, vốn được đề xuất làm Tổng Giám đốc tiếp theo của WTO.
Chỉ sáu ngày trước cuộc bầu cử của Mỹ, Washington đã làm khó WTO khi không ủng hộ bà Ngozi Okonjo-Iweala trở thành Tổng Giám đốc tiếp theo của tổ chức này, bất chấp sự ủng hộ của nhiều khu vực dành cho ứng cử viên Nigeria.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm tê liệt vai trò trọng tài toàn cầu về thương mại của WTO, với việc liên tiếp bỏ phiếu ngăn chặn các quyết định bổ nhiệm thẩm phán tại Cơ quan phúc thẩm.
Sau nhiều tuần tham vấn, đại diện của WTO đã ra tuyên bố tại một cuộc họp ở Geneva rằng cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala, nên là người đứng đầu tiếp theo của tổ chức này khi bà đảm bảo được sự ủng hộ xuyên khu vực.
Trả lời báo giới, người phát ngôn của WTO Keith Rockwell cho biết tất cả các phái đoàn đề bày tỏ sự ủng hộ rất mạnh mẽ đối với lựa chọn này.
Tuy nhiên, sau đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đưa ra một tuyên bố chính thức ủng hộ ứng cử viên duy nhất còn lại, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee, khi ca ngợi bà là một nhà đàm phán thương mại thành công với các kỹ năng cần thiết để lãnh đạo WTO vào một “thời điểm rất khó khăn.”
Theo USTR, WTO cần một người có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này dẫn dắt.
William Reinsch, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), nhận định động thái của Mỹ có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại vốn đã tăng cao trong WTO.
Tổ chức này dự kiến sẽ triệu tập một cuộc họp vào ngày 9/11, chưa đầy một tuần sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để tìm kiếm sự đồng thuận.
Bất cứ quyết định nào liên quan đến đề xuất này đều phải giành được sự đồng thuận của 164 thành viên trong tổ chức, đồng nghĩa với việc bất cứ thành viên nào của WTO cũng có thể ngăn cản quyết định bổ nhiệm ứng cử viên Nigeria./.
Ý kiến ()