Mỹ kêu gọi Nga nối lại đường dây nóng tại Syria
Mỹ đề nghị Nga nối lại đường dây nóng với Bộ Quốc phòng Mỹ trong khi cho biết sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Syria.
Tên lửa Tomahawk từ tàu chiến Mỹ bắn vào lãnh thổ Syria sáng 7/4 (giờ Việt Nam). Ảnh: Reuters |
Sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt Syria
Ngày 7/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết Mỹ sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Syria. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Washington cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tiến hành vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib, Tây Bắc Syria, khiến hàng chục thường dân Syria thiệt mạng, bất chấp sự bác bỏ của Damascus.
Bộ trưởng Mnuchin nêu rõ: “Chúng tôi sẽ công bố các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Syria như một phần nỗ lực nhằm chấm dứt hành động trên”. Ông này cho biết các lệnh trừng phạt là một “công cụ vô cùng quan trọng” và Washington “sẽ sử dụng các biện pháp này ở mức hiệu quả tối đa nhất”.
Xuất hiện bên cạnh Bộ trưởng Mnuchin, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cho biết những hành động tiếp theo của Mỹ sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Syria.
Mỹ kêu gọi Nga nối lại đường dây nóng
Ngay sau khi Nga thông báo ngừng đường dây nóng với Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn được thiết lập để tránh các cuộc đụng độ tại Syria, ngày 7/4, Lầu Năm Góc ra thông báo kêu gọi Moskva tiếp tục mở các kênh thông tin liên lạc quân sự này.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết muốn duy trì đối thoại thông qua kênh liên lạc an toàn này với Nga và hy vọng Moskva sẽ xem xét lại quyết định trên bởi việc này có lợi cho tất cả các bên nhằm tránh những tai nạn và tính toán sai lầm.
Trước đó, chiều 7/4, Bộ Quốc phòng Nga đã triệu Tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Nga để trao công hàm về việc Moskva ngừng đường dây nóng với Lầu Năm Góc tại Syria.
Đường dây nóng quân sự Nga-Mỹ được thiết lập sau khi Nga can dự quân sự tại Syria hồi năm 2015 nhằm bảo đảm các máy bay của hai cường quốc đang tham chiến ở quốc gia Trung Đông này không đụng độ. Hai bên đã thiết lập được mối liên lạc hoạt động 24/24, xác định cơ chế phối hợp hành động, bao gồm cả việc hỗ trợ lẫn nhau khi xuất hiện tình huống khủng hoảng.
Liên Hợp Quốc kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế
Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về tình hình Syria, quan chức phụ trách các vấn đề chính trị của LHQ Jeffrey Feltman tuyên bố cần phải ngay lập tức hành động để bảo vệ người dân Syria, song hành động đó phải được “dựa trên các nguyên tắc của LHQ và luật pháp quốc tế”.
Cũng tại cuộc họp này, Mỹ cho biết có thể sẽ có thêm hành động quân sự ở Syria sau vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng có thêm hành động, nhưng hy vọng sẽ không cần phải làm vậy. Mỹ sẽ không đứng nhìn khi vũ khí hóa học được sử dụng. Ngăn chặn sự phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học là lợi ích an ninh quốc gia sống còn của chúng tôi”.
Đại sứ Haley khẳng định hành động của Mỹ là “hoàn toàn chính đáng” sau vụ tấn công bằng khí độc ở Syria.
Cũng tại HĐBA, Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft chỉ trích việc Nga bỏ phiếu phủ quyết tổng cộng 7 nghị quyết của LHQ về vấn đề Syria bởi nếu không có việc phủ quyết đó thì Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã phải đương đầu với các lệnh trừng phạt và bị xét xử.
Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại LHQ François Delattre tuyên bố các cuộc không kích của Mỹ là phản ứng hợp pháp vì đây là “hành động cần thiết để ngăn chặn Tổng thống Assad”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cầm 2 tấm hình về nạn nhân vụ tấn công hóa học ở Syria trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: Getty |
EU: Không thể giải quyết xung đột bằng biện pháp quân sự
Trong một tuyên bố ngày 7/4, Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini khẳng định rằng không thể giải quyết cuộc xung đột Syria bằng biện pháp quân sự.
Theo bà Mogherini, EU sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực và công việc của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), bao gồm cả Cơ chế điều tra chung giữa OPCW và LHQ, liên quan đến công tác điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học, đặc biệt tại Syria. EU cũng sẽ ủng hộ các hòa đàm giữa các bên tại Syria do LHQ làm trung gian nhằm tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này.
Còn Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng lên tiếng yêu cầu mở một cuộc điều tra ngay lập tức và kỹ lưỡng về vụ không kích của Mỹ nhằm vào quân đội Syria cũng như vụ tấn công bằng khí gas tại quốc gia Trung Đông này hôm 4/4 vừa qua.
Nhiều nước Mỹ Latinh phản đối
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ quân sự của quân đội Syria, các nước Mỹ Latinh đã phản đối mạnh mẽ hành động này.
Ngày 7/4, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã lên tiếng phản đối cuộc tấn công, cho rằng Nhà Trắng không thể lấy cớ cuộc tấn công vũ khí để nã tên lửa vào quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Morales khẳng định, năm 2013, LHQ đã chứng nhận tại Syria không còn vũ khí hóa học và những vấn đề nội bộ của một quốc gia cần được giải quyết thông qua đối thoại, không thể sử dụng vũ khí.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Costa Rica Manuel González và cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva cũng tố cáo cuộc tấn công của quân đội Mỹ. Ngoại trưởng González lên án việc sử dụng vũ khí và kêu gọi giải trừ quân bị. Trong khi đó, ông Lula đánh giá việc làm của Nhà Trắng là hành động vô trách nhiệm.
Các phong trào xã hội và đảng cánh tả Bolivia cũng đã tổ chức cuộc biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô La Paz, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Syria.
Cùng ngày, các quốc gia đồng minh của Mỹ gồm Argentina, Chile, Colombia, Mexico, Paraguay, Peru và Uruguay ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng trong cuộc chiến Syria, đồng thời lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân thường, đặc biệt là trẻ em.
Tình hình Syria hiện rất căng thẳng sau khi Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ Sharyat của Syria ở tỉnh Homs, khiến căn cứ này gần như bị phá hủy hoàn toàn. Hành động quân sự này của Mỹ diễn ra sau khi xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Syria hôm 4/4.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đây là một hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Syria Assard cũng kiên quyết phủ nhận việc can dự vào cuộc tấn công nghị sử dụng vũ khí hóa học, khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()