Mỹ kêu gọi G20 hỗ trợ các nước đang phát triển chấm dứt đại dịch
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen sẽ kêu gọi G20 điều chỉnh chính sách phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia để đảm bảo sự phục hồi toàn diện và thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine cho các nước nghèo.
Một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ ngày 15/2 cho biết Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ kêu gọi những người đồng cấp trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phối hợp để chấm dứt đại dịch COVID-19 ở các nước đang phát triển và đảm bảo các nước này có các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ phục hồi một cách phù hợp và công bằng.
Bộ trưởng Yellen dự kiến sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến của G20 gồm các Bộ trưởng Tài chính và ngân hàng trung ương trong hai ngày 17-18/2.
Quan chức Bộ Tài chính này đã đưa ra các ưu tiên của Mỹ cho cuộc họp tới, trong bối cảnh số ca mắc biến thể Omicron tại nhiều nước giàu có giảm, nhưng có xu hướng tăng tại các nước đang phát triển. Nước chủ nhà Indonesia đã ghi nhận kỷ lục 57.049 ca mắc mới trong ngày 15/2.
Bà Yellen sẽ kêu gọi G20 điều chỉnh chính sách cho phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia để đảm bảo sự phục hồi toàn diện và thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine cho các nước nghèo hơn.
Điều này bao gồm các nỗ lực hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn trên toàn cầu trong việc triển khai vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán.
Bà Yellen cũng sẽ kêu gọi các quốc gia G20 hỗ trợ một quỹ toàn cầu do WB đề xuất, nhằm mục đích đầu tư vào công tác phòng ngừa và chuẩn bị cho đại dịch, với ước tính 75 tỷ USD.
Đây được coi là một con số hợp lý đối với những chi phí kinh tế và con người trên toàn cầu liên quan đến dịch COVID-19.
Bà Yellen cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng động lực đó sẽ được duy trì giữa 136 quốc gia để hoàn tất một thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% trong năm nay, để thỏa thuận này có thể có hiệu lực vào năm 2023.
Bà Yellen cũng có ý định thúc đẩy hành động khí hậu chuyên sâu hơn để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải carbon, bao gồm huy động thêm vốn tư nhân để tài trợ cho quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Các nguồn lực công có thể giúp thu hút thêm nguồn tài chính tư nhân để giảm lượng khí thải./.
Ý kiến ()