Mỹ hối thúc OPEC+ tăng sản lượng dầu mỏ
Mỹ đã hối thúc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC , tăng sản lượng dầu mỏ vì cho rằng giá dầu tăng đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Theo Reuters ngày 12-8, trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết giá dầu thô hiện đang ở mức cao hơn so với thời điểm cuối năm 2019-trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù OPEC gần đây đã đồng ý tăng sản lượng dầu mỏ nhưng ông Sullivan cho rằng, mức tăng này “sẽ không thể bù đắp đầy đủ” mức cắt, giảm mà OPEC áp đặt kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến tận năm 2022. “Ở vào thời điểm quan trọng hiện nay, khi các nền kinh tế bắt đầu dần phục hồi, chừng đó là không đủ”, ông Sullivan nhấn mạnh. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, OPEC cần “hành động mạnh mẽ hơn nữa” để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Kênh truyền hình Al Jazeera cho biết OPEC kiểm soát trên 50% nguồn cung dầu thô toàn cầu. Đó là lý do tại sao OPEC có “sức ảnh hưởng to lớn” đối với giá dầu bằng việc cắt, giảm hoặc tăng sản lượng. Mặc dù Mỹ là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 20% sản lượng toàn cầu) nhưng cũng là quốc gia tiêu thụ không ít (chiếm 21% mức tiêu thụ toàn cầu). Vì vậy, nếu giá dầu mỏ tăng cao, người dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. “Mỹ sẽ luôn trao đổi với các đối tác quốc tế về các vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới kinh tế và an ninh quốc gia”, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ nêu rõ.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng mức tăng sản lượng dầu mỏ của OPEC hiện nay là chưa đủ. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, cùng ngày, Sputnik dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington đã thông báo rõ với OPEC rằng việc cắt, giảm sản lượng dầu mỏ được thực hiện trong thời kỳ đại dịch “cần được đảo ngược” khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi “để giảm giá cho người tiêu dùng”.
Vào tháng 4 năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, OPEC đã thỏa thuận cắt, giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày và sẽ khôi phục dần nguồn cung cho đến tháng 4-2022. Đây là mức giảm sản lượng lớn chưa từng có trong lịch sử, được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ lao dốc do tác động của đại dịch Covid-19. Quyết định này đã cho thấy hiệu quả, theo đó đẩy giá dầu tăng 50% kể từ đầu năm nay.
Tại cuộc họp của OPEC hồi đầu tháng 7 vừa qua, các nước thành viên đã không nhất trí được về các kế hoạch từng bước nới lỏng biện pháp cắt, giảm sản lượng dầu mỏ. Bế tắc xuất phát từ bất đồng giữa Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hai nước này đều ủng hộ tăng sản lượng ngay lập tức, song UAE phản đối ý tưởng của Saudi Arabia gia hạn thỏa thuận nới lỏng cắt, giảm sản lượng đến cuối năm 2022 nếu UAE không có được hạn ngạch sản lượng cao hơn. Để khai thông thế bế tắc, OPEC đã nhất trí về hạn ngạch sản lượng mới cho một số thành viên từ tháng 5-2022, trong đó có UAE, Saudi Arabia, Nga, Kuwait và Iraq. Theo đó, hạn ngạch cơ sở của UAE sẽ được nâng từ hơn 3,1 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, hạn ngạch cơ sở của Saudi Arabia và Nga sẽ tăng lên 11,5 triệu thùng/ngày từ mức 11 triệu thùng/ngày hiện nay. Và kết quả là đến ngày 18-7, OPEC đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu thô từ tháng 8-2021 nhằm thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu khi đại dịch lắng dịu. OPEC cho biết 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 tới sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày. OPEC tuyên bố sẽ “đánh giá các diễn biến thị trường” vào tháng 12 năm nay.
Ý kiến ()