Mỹ hoàn thành việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học
Tháng 7 năm nay, tại một nhà máy kiêm kho vũ khí ở Blue Grass, bang Kentucky (Mỹ), quả tên lửa M55 cuối cùng chứa đầy Sarin (còn gọi là GB, một loại chất độc thần kinh cực mạnh) đã được tháo dỡ. Cùng với đó, toàn bộ kho dự trữ vũ khí hóa học (VKHH) của Mỹ được tiêu hủy, đưa nước này trở thành quốc gia cuối cùng tham gia Công ước VKHH (CWC) hoàn thành việc loại bỏ kho VKHH của mình sớm hơn thời hạn chót là ngày 30-9.
Theo VOX Media có trụ sở tại Washington, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã chế tạo hàng trăm nghìn quả đạn pháo chứa đầy khí mù tạt (ethylene dichloride) để phục vụ chiến tranh, may mắn thay, chúng chưa hoặc ít được đưa ra sử dụng. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Washington tiếp tục chế tạo nhiều loại VKHH nguy hiểm hơn như đạn pháo và tên lửa chứa chất độc thần kinh VX và GB, đưa Mỹ trở thành quốc gia sở hữu kho VKHH lớn nhất thế giới.
Vào thời điểm CWC được phê chuẩn năm 1993, Mỹ đang sở hữu khoảng 30.000 tấn VKHH, trữ tại 8 kho vũ khí trên đất liền và 1 kho trên đảo Johnston ở Thái Bình Dương. Việc tính toán để hủy bỏ một cách an toàn và hiệu quả kho VKHH khổng lồ này đã trở thành một bài toán đau đầu đối với nhiều đời Tổng thống Mỹ, nhất là trong bối cảnh phong trào hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng và thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng. Chưa kể, mục đích chế tạo VKHH là để phục vụ chiến tranh và hủy diệt.
VKHH thời Chiến tranh thế giới thứ hai thường chứa thành phần là các hóa chất gây bỏng, có thể làm hỏng mắt hoặc phổi nếu hít phải, với mục đích cản trở quá trình di chuyển của binh lính đối phương. Sau này, trong nhiều loại đạn pháo, tên lửa còn chứa cả chất độc thần kinh cực mạnh, có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn sau khi hít phải. Độc hại là thế nên việc tiêu hủy VKHH đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, chứ không đơn giản như nhấn nút tạm dừng. Trong khi đó, mọi vũ khí đều có thời hạn sử dụng và VKHH cũng không ngoại lệ. Theo thời gian, VKHH cũng bị xuống cấp và chất độc có thể bị rò rỉ ra môi trường xung quanh. Để xử lý, người ta đã dùng nhiều giải pháp tiêu hủy VKHH như chất chúng lên những con tàu cũ rồi đánh chìm xuống đáy đại dương, thiêu hủy ngoài trời, hay thậm chí, đào sâu chôn chặt trên đất liền. Song các giải pháp này đều bị cho là không xử lý triệt để hậu quả độc hại lâu dài của hóa chất đối với môi trường.
Thành viên Lực lượng Phòng vệ dân sự Syria (Mũ bảo hiểm trắng) thắp nến tưởng niệm 10 năm vụ tấn công hóa học ở Idlib (Syria) khiến nhiều người thiệt mạng, tháng 8-2023. Ảnh: Getty Images |
Sau này, nhờ các nghiên cứu khoa học, quá trình trung hòa được chọn làm giải pháp thay thế an toàn trong tiêu hủy VKHH. Theo đó, đạn pháo, tên lửa sẽ được tháo dỡ, tách rời phần kim loại với phần hóa chất. Kim loại đem nung chảy ở nhiệt độ rất cao để bảo đảm loại bỏ tất cả tác nhân hóa học, sau đó tái chế thành thanh đường ray xe lửa hoặc phụ tùng ô tô. Còn chất độc được sàng qua một loạt thùng chứa, nơi chúng được làm nóng, khuấy trộn trong vài giờ cùng natri hydroxit, tạo ra phản ứng hóa học biến các chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn. Người ta sẽ kiểm tra mẫu thử sau quá trình trung hòa để bảo đảm tất cả đạt mức độ an toàn. Khâu tiếp theo là quá trình xử lý sinh học, tức là bơm vào đó một loại vi khuẩn ăn hết các hợp chất còn sót lại.
Đến năm 2012, khoảng 90% kho VKHH của Mỹ được tiêu hủy bằng phương pháp đốt. Washington mất thêm hơn một thập kỷ nữa để tiêu hủy 10% số VKHH còn lại bằng phương pháp trung hòa, VOX Media dẫn số liệu thống kê cho hay.
Thế giới vẫn còn rải rác những tàn tích của VKHH thải loại hoặc bị lãng quên. Dưới đáy các đại dương cũng chứa đầy những VKHH thải loại, đặc biệt là ở khu vực biển Baltic và Địa Trung Hải, nơi kho vũ khí khổng lồ bị vứt bỏ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hệ lụy từ những tác động độc hại của chúng đối với môi trường sinh thái biển vẫn kéo dài cho đến ngày nay. Ở những quốc gia, khu vực từng hứng chịu chiến tranh và xung đột, các loại VKHH và đạn pháo rơi rớt lại hàng chục năm sau vẫn có thể gây ô nhiễm đất đai, ô nhiễm đại dương. Điều đó có nghĩa là thế giới vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi hiểm họa từ VKHH.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/my-hoan-thanh-viec-tieu-huy-kho-vu-khi-hoa-hoc-746177
Ý kiến ()