Mỹ-Hàn hy vọng đạt tiến bộ trong phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
Việc sớm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng là “cần thiết” để đạt được tiến bộ thực chất trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.
Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Lee Do-hoon (phải) và người đồng cấp Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun (trái) tại cuộc gặp ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 16/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết ngày 2/9, đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Mỹ đã điện đàm về nỗ lực chung nhằm nối lại cuộc đối thoại bị đình trệ với Triều Tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ông Lee Do-hoon và người đồng cấp Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun , chia sẻ quan điểm rằng việc sớm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng là “cần thiết” để đạt được tiến bộ thực chất trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên .
Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: “Hai bên đã tham vấn về các cách thức tạo điều kiện và thúc đẩy đối thoại. Hai bên nhất trí sẽ trao đổi và hợp tác chặt chẽ hơn về vấn đề hạt nhân cũng như các vấn đề khác của Triều Tiên song phương và đa phương, tích cực sử dụng các sự kiện ngoại giao quốc tế đã được lên kế hoạch.”
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi tháng 2 năm ngoái kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Bế tắc cũng khiến Hàn Quốc nghi ngờ động lực hòa giải và hợp tác kinh tế liên Triều. Cuộc điện đàm mới nhất này diễn ra khi Hàn Quốc và Mỹ cố gắng duy trì liên lạc ngoại giao chặt chẽ về các vấn đề của Triều Tiên và các vấn đề song phương khác mặc dù đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các cuộc gặp trực tiếp giữa giới ngoại giao hai nước.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kéo dài lệnh cấm du lịch Triều Tiên thêm một năm, đánh dấu lần gia hạn thứ 3 kể từ khi Washington lần đầu tuyên bố tất cả các hộ chiếu Mỹ đều vô hiệu đối với các chuyến đi đến, vào và thông qua Triều Tiên vào ngày 1/9/2017.
Động thái của Washington được đưa ra sau cái chết của công dân Mỹ Otto Warmbier, người đã qua đời 6 ngày sau khi trở về nhà do được Bình Nhưỡng trả tự do vào tháng 6/2017.
Công dân 22 tuổi này bị Triều Tiên giam giữ kể từ tháng 1/2016 vì nghi ngờ cố gắng đánh cắp một bức áp phích tuyên truyền trong khách sạn nơi anh ta lưu trú.
Ngoài ra, bộ trên cũng duy trì mức cảnh báo du lịch cao nhất, cấp độ 4, hoặc “Không Du lịch” đối với Triều Tiên, một phần nguyên nhân là do đại dịch COVID-19./.
Ý kiến ()