Mỹ gửi thông điệp cứng rắn tới Iran
Nhấn mạnh theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, song Mỹ vẫn cảnh báo sẽ xem xét mọi lựa chọn cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia. Thông điệp cứng rắn vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra tại Đối thoại Manama ở Bahrain.
Tại cuộc đối thoại hằng năm về an ninh khu vực, được tổ chức hôm 20/11, Bộ trưởng Austin nhắc lại lập trường của Mỹ là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Thông điệp cứng rắn này nhằm trấn an các đồng minh ở vùng Vịnh, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran căng thẳng trước thềm cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Kể từ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA năm 2018, một loạt sự cố xảy ra làm căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Iran và ở khu vực. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái và mìn nhằm vào các tàu trên biển, cũng như các cuộc tấn công của lực lượng được Iran ủy nhiệm nhằm vào căn cứ và lợi ích của Mỹ ở Iraq và Syria. Các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa hai bên đã cản trở các cuộc đàm phán mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nỗ lực đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Vòng đàm phán thứ bảy giữa các cường quốc với Iran dự kiến diễn ra ngày 29/11 tới tại Vienna (Áo), trong đó Mỹ tham gia gián tiếp. Tuy nhiên, ngay trước thềm đối thoại, quan hệ Iran-Mỹ tiếp tục chứng kiến những động thái đối đầu. Cả Mỹ và các đồng minh phương Tây đều tỏ thái độ hoài nghi về thiện chí đàm phán của Iran, sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo về việc Iran tiếp tục tăng lượng urani làm giàu. Đặc phái viên Mỹ về Iran cảnh báo, Tehran đang tiệm cận ngưỡng “không thể quay trở lại”. Pháp kêu gọi Hội đồng thống đốc IAEA hành động nhằm gây sức ép, buộc Iran tuân thủ đầy đủ các cam kết trong JCPOA.
Trong khi đó, Iran tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các tổ chức và cá nhân Iran. Iran cũng tố cáo về một mưu đồ “chính trị hóa” IAEA – cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc.
Khó khăn lắm các bên mới có thể nhất trí về lịch trình vòng đàm phán mới về vấn đề hạt nhân Iran. Cộng đồng quốc tế hối thúc các bên liên quan thể hiện thái độ hợp tác, tránh đối đầu, nhằm đưa Mỹ trở lại JCPOA và bảo đảm Iran tuân thủ đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận. Văn kiện lịch sử này được xem là nhân tố quan trọng giúp duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực.
Ý kiến ()