Mỹ, EU sẵn sàng làm trung gian hòa giải tranh chấp đập Đại Phục Hưng
Đặc phái viên của Mỹ và EU nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một giải pháp ngoại giao, đảm bảo việc sử dụng điện của Ethiopia, toàn vẹn lãnh thổ của Sudan và quyền về nước của Ai Cập.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 29/3, Hội đồng Chủ quyền Sudan ra tuyên bố cho biết Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải cuộc tranh chấp liên quan đến đập thủy điện Đại Phục hưng của Ethiopia (GERD).
Tuyên bố nêu rõ đặc phái viên của Mỹ tại Sudan Donald Booth và Trưởng Phái đoàn EU tại Sudan Robert van den Dool đã bày tỏ sẵn sàng làm trung gian hòa giải về vấn đề GERD trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền Sudan Abdel-Fattah Al-Burhan.
Hai đặc phái viên này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một giải pháp ngoại giao trong vấn đề trên dựa vào việc tiếp cận một cách thỏa đáng, đảm bảo việc sử dụng điện của Ethiopia, an ninh đối với toàn vẹn lãnh thổ của Sudan và sự an toàn của các con đập của nước này, cũng như các quyền về nước của Ai Cập.
Cũng tại cuộc gặp trên, ông Al-Burhan đã bày tỏ cam kết của Sudan tìm kiếm các giải pháp hòa bình và ngoại giao cho các tranh chấp với Ethiopia.
Trước đó, hôm 22/3, Sudan đã kêu gọi Ethiopia chấp nhận Bộ tứ quốc tế gồm Liên hợp quốc (LHQ), EU, Mỹ và Liên minh châu Phi (AU) làm trung gian để đạt được một thỏa thuận công bằng, hợp pháp và được cả 3 bên chấp nhận đối với vấn đề GERD.
GERD được khởi công vào năm 2011, đã gây ra những căng thẳng giữa ba nước Sudan, Ai Cập và Ethiopia. Ai Cập phụ thuộc vào sông Nile – cung cấp với khoảng 97% lượng nước tưới và nước uống của nước này, do đó lo ngại đập thủy điện này đe dọa nguồn cung cấp nước.
Trong khi đó, Sudan lo ngại rằng các con đập của nước này có thể bị tổn hại nếu Ethiopia hoàn thành đập GERD mà không đạt được một thỏa thuận chung.
Hồi tháng 2 vừa qua, Ethiopia cho biết sẽ tiếp tục giai đoạn 2 tích nước cho đập GERD, tương ứng khối lượng nước 13,5 tỷ m3 vào tháng 6 tới. Giai đoạn tích nước đầu tiên đã hoàn thành vào tháng 7/2020 với khối lượng nước là 4,9 tỷ m3./.
Ý kiến ()