Mỹ đòi trừng phạt Trung Quốc vì hỗ trợ Nga, Bắc Kinh nói NATO chịu trách nhiệm
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken yêu cầu Trung Quốc ngừng xuất khẩu nguyên liệu cho Nga xây dựng lại cơ sở công nghiệp hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã kết thúc 3 ngày làm việc tại Trung Quốc vào hôm 26/4, với lời cảnh báo tới lãnh đạo Trung Quốc: Ngừng xuất khẩu các nguyên liệu cho phép Nga xây dựng lại cơ sở công nghiệp của họ nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Ông Blinken nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng các công ty nhà nước Trung Quốc đang cung cấp thành phần quan trọng cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga, bao gồm các thiết bị vi điện tử và công cụ máy móc có “tác động vật chất chống lại Ukraine”, tạo thành “mối đe dọa ngày càng tăng mà Nga đặt ra cho các nước ở châu Âu”.
Blinken phát biểu rằng, trong các cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị, ông đã nói rõ rằng chính quyền Biden đang hết kiên nhẫn trước việc Bắc Kinh từ chối ngừng hỗ trợ cho Nga.
“Chúng tôi đang xem xét các hành động mà chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện nếu không thấy có sự thay đổi… chúng tôi đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 100 thực thể Trung Quốc, kiểm soát xuất khẩu và chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các biện pháp bổ sung", Blinken nói.
Blinken nói rằng đã có “tiến bộ quan trọng” trong việc ổn định quan hệ Mỹ-Trung kể từ cuộc gặp của Tổng thống Joe Biden với ông Tập ở San Francisco vào tháng 11. Nhưng những yếu tố bất đồng chính - bao gồm căng thẳng về thương mại, Đài Loan và các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông – vẫn là trở ngại lớn.
Nhà ngoại giao Mỹ nói đã thảo luận về “các hành động nguy hiểm” của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc chống lại các hoạt động bảo trì thường lệ của Philippines và hoạt động hàng hải gần Bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời nói thêm rằng các cam kết quốc phòng của Mỹ với Philippines vẫn là “sắt thép”.
Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc chính quyền Biden đưa ra yêu cầu đối với chính phủ Trung Quốc mà không thực hiện sự hợp tác đã được ông Tập và ông Biden thống nhất vào tháng 11. Hoa Kỳ không nên “tham gia vào một cuộc cạnh tranh luẩn quẩn; và nên tôn vinh lời nói bằng hành động thay vì nói một đằng làm một nẻo”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu về cuộc gặp của ông Tập với Blinken.
Trung Quốc nói NATO mới là bên chịu trách nhiệm cho khủng hoảng Ukraine
Trong một động thái bên lề, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết ở cuộc họp báo hôm 26/4 rằng NATO chịu trách nhiệm trực tiếp về cuộc xung đột ở Ukraine, phản ứng lại những lời chỉ trích của khối quân sự do Mỹ đứng đầu.
Hôm 25/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích Bắc Kinh hỗ trợ việc sản xuất vũ khí của Nga thông qua việc xuất khẩu các linh kiện có công dụng kép sang nước này.
“Trung Quốc nói rằng họ muốn có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây. Nhưng đồng thời, Bắc Kinh tiếp tục châm ngòi cho cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Họ không thể có cả hai”, quan chức này cảnh báo.
Ông Uông bác bỏ tuyên bố này, nói rằng nó chỉ dựa trên tin đồn. Nhà ngoại giao nói Trung Quốc không gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine và trách nhiệm của NATO đối với vấn đề này là “không thể thay đổi”. Ông thêm rằng khối quân sự do Mỹ lãnh đạo “nên suy ngẫm về vai trò của mình, ngừng đổ lỗi và làm điều gì đó thiết thực để thúc đẩy một giải pháp chính trị”.
Theo Bắc Kinh, việc NATO mở rộng ở châu Âu và từ chối xem xét những lo ngại về an ninh quốc gia của Nga đã gây ra sự thù địch. Lộ trình hòa bình mà Trung Quốc đề xuất vào đầu năm 2023 kêu gọi giải quyết vấn đề cốt lõi đó.
Ý kiến ()