Mỹ cùng đồng minh kêu gọi Israel và Hezbollah ngừng bắn 21 ngày
Trước tình hình chiến sự khốc liệt tại Lebanon, Mỹ, Pháp, Đức, Anh và các nước đồng minh khác của Washington đồng loạt lên tiếng kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức trong 21 ngày, nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán cứu vãn hòa bình trong khu vực.
Ngày 26-9, Reuters đưa tin, Nhà Trắng đã công bố Tuyên bố chung của các nước tham gia cuộc gặp đặc biệt bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 79 đang diễn ra tại New York (Mỹ), trong đó kêu gọi “lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong 21 ngày trên khắp biên giới Lebanon-Israel để tạo không gian cho các cuộc đàm phán hòa bình”. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên, bao gồm cả Chính phủ Israel và Lebanon, chấp thuận lệnh ngừng bắn tạm thời ngay lập tức", tuyên bố nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh cuộc giao tranh đang diễn ra giữa Israel và Hezbollah là "không thể chấp nhận được và gây ra nguy cơ leo thang căng thẳng rộng hơn trong khu vực".
Washington hy vọng một lệnh ngừng bắn có thể dẫn đến sự ổn định lâu dài dọc biên giới Israel-Lebanon. Nhiều tháng giao tranh giữa Israel và Hezbollah đã khiến hàng chục nghìn người Lebanon phải rời bỏ nhà cửa và các cuộc tấn công leo thang trong tuần qua làm dấy lên nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh lan rộng ở Trung Đông. Mỹ cũng kỳ vọng đồng minh Israel sẽ "hoan nghênh" đề xuất này và sẽ chính thức đưa ra chấp thuận ngừng bắn trong bài phát biểu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ vào ngày 27-9.
Giới quan chức Mỹ tuyên bố sẽ nỗ lực tận dụng thời gian tạm dừng giao tranh để khởi động lại các cuộc đàm phán bị đình trệ về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận trao trả con tin giữa Israel và lực lượng Hamas tại dải Gaza.
Các quốc gia ký tên vào Tuyên bố chung kêu gọi lệnh ngừng bắn trong 21 ngày gồm: Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Anh, Qatar và Liên minh châu Âu (EU).
Euronews dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho hay, việc xây dựng kế hoạch đề xuất về lệnh ngừng bắn trên được khởi động nhanh chóng trong tuần này, khi nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden do Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan dẫn đầu, họp với các nhà lãnh đạo thế giới tại New York và vận động những quốc gia khác ủng hộ kế hoạch.
Trước đó, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ bảo đảm Israel rút quân ra khỏi lãnh thổ Lebanon và chấm dứt các cuộc không kích đang diễn ra hằng ngày. Về phần mình, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon trả lời phỏng vấn báo chí rằng Tel Aviv muốn thấy lệnh ngừng bắn và người dân Israel được trở về nhà gần khu vực biên giới, rằng Israel "không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện". Đại diện cả hai bên đều tái khẳng định ủng hộ nghị quyết của LHQ về việc chấm dứt cuộc xung đột từ năm 2006 giữa Israel và Hezbollah.
Kỳ vọng là thế, song bất chấp những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và các nước đồng minh, tuyên bố kêu gọi ngừng bắn trong 21 ngày vừa đưa ra đã đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Trên nền tảng mạng xã hội X, Ngoại trưởng Israel Israel Katz thẳng thừng bác bỏ: "Sẽ không có lệnh ngừng bắn với Hezbollah. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại Hezbollah bằng tất cả sức mạnh của mình cho đến khi giành chiến thắng và người dân miền Bắc Israel có thể trở về nhà an toàn".
Cùng lúc, Văn phòng Thủ tướng Israel tuyên bố ông Netanyahu chưa có phản hồi trước đề xuất ngừng bắn. Trên thực tế, Thủ tướng Israel đã chỉ thị cho quân đội nước này tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công. Những người theo đường lối cứng rắn trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu cũng tỏ rõ quan điểm, rằng Israel nên từ chối bất kỳ lệnh ngừng bắn nào và tiếp tục tấn công Hezbollah.
Trên thực địa, Reuters cho hay, quân đội Israel đã không kích hàng trăm mục tiêu của Hezbollah tại Lebanon trong đêm 25 và ngày 26-9, khiến hàng chục người thiệt mạng. Hezbollah cũng tuyên bố phóng hàng loạt tên lửa vào khu phức hợp công nghiệp quân sự Rafael ở ngoại ô thành phố Haifa và khu định cư Kiryat Motzkin ở miền Bắc Israel.
Ý kiến ()