Mỹ- Cuba đứng trước cơ hội lịch sử để hàn gắn quan hệ
Các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đang đứng trước những cơ hội lịch sử và điều quan trọng là các bên có thể tận dụng được nó hay không.
Sau những bước đi quan trọng hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 11/4 sẽ có cuộc gặp lịch sử bên lề Hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên của các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba kể từ sau cuộc cách mạng Cuba năm 1959 và kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1961.
Hội nghị cấp cao lần thứ 7 Tổ chức các quốc gia châu Mỹ đang diễn ra tại Panama được dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm, nhất là với sự tham gia lần đầu tiên của Cuba.
Theo Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, việc lãnh đạo Cuba có mặt tại hội nghị là một bước tiến quan trọng để cải thiện môi trường đối thoại giữa các nước Bắc Mỹ và Nam Mỹ, cũng như giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh. Trước khi diễn ra hội nghị, các quan chức Mỹ và Cuba đã tăng cường các cuộc tiếp xúc, cụ thể là cuộc gặp lần đầu tiên giữa Ngoại trưởng hai nước kể từ sau cuộc cách mạng Cuba năm 1959.
Cái bắt tay giữa Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mang ý nghĩa biểu tượng cao, đánh dấu một nấc mới trong quan hệ hai nước.
Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, các cuộc thảo luận “rất mang tính xây dựng” đã giúp tạo ra những bước tiến trong tiến trình khôi phục quan hệ hai nước. Trong khi đó, phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa đánh giá cao sự tham gia lần đầu tiên của Cuba tại hội nghị này, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ không tìm cách áp đặt bất kỳ quốc gia nào.
“Tôi rất vui vì sự có mặt lần đầu tiên của Cuba tại Hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ lần này. Khi Mỹ bắt đầu một chương mới trong quan hệ với Cuba, chúng tôi hi vọng điều này sẽ tạo ra một môi trường giúp cải thiện cuộc sống của nhân dân Cuba. Song điều này không chỉ phụ thuộc vào Mỹ, mà còn phụ thuộc vào chính phủ và người dân Cuba. Bởi chỉ có họ mới có thể quyết định con đường tốt nhất để đi tới sự thịnh vượng”, ông Obama nói.
Trước đó, Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro hôm 09/04 đã có cuộc điện đàm dài để chuẩn bị cho hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ, cũng như thảo luận những vấn đề liên quan tới bình thường hóa quan hệ.
Cùng ngày, Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin thuộc Ủy ban đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ cho biết, một trong những yêu cầu chính của Cuba dường như đã được đáp ứng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến nghị Tổng thống Obama đưa Cuba ra khỏi danh sách những nước hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố. Nếu được thông qua, điều này sẽ giúp Cuba tiếp cận nguồn tài chính của các tổ chức quốc tế mà tới nay quốc gia Nam Mỹ này không được tiếp cận do nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Một động lực cho tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Cuba là sự ủng hộ từ nhân dân hai nước. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Mỹ cho thấy, những chính sách với Cuba được chính quyền Tổng thống Obama thực hiện thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ của tới 59% người Mỹ. Trong khi đó tại Cuba, người dân nước này cũng rất chờ đợi cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo hai nước.
Người dân Cuba nói: “Từ rất lâu rồi, Mỹ và Cuba không có những cuộc gặp như thế. Vì thế, những cuộc gặp này có ý nghĩa rất quan trọng và là nền tảng để chúng ta đạt được những bước tiến trong cải thiện quan hệ”.
“Tôi nghĩ đây là một mối quan hệ tốt. Cả hai nước đều đang nỗ lực hết sức vì lợi ích của chính phủ và nhân dân mỗi nước”, một người dân Cuba khác cho hay.
Tiến trình hòa giải đang diễn ra giữa Mỹ và Cuba có thể cho phép Mỹ trở lại khu vực. Bởi phần lớn các chính phủ Nam Mỹ đều phản đối lệnh bao vây cấm vận của Mỹ với Cuba được áp đặt từ năm 1962. Sự xích lại gần hơn với Cuba đang tạo ra bầu không khí cởi mở hơn, song theo các nhà phân tích, điều này không đồng nghĩa với việc những mâu thuẫn kéo dài đã hoàn toàn biến mất. Những hành động thiện chí được thể hiện ở Panama là chưa đủ.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ- Cuba sẽ mất nhiều thời gian. Bởi một số vấn đề rất nhạy cảm chưa được giải quyết như việc Mỹ chiếm căn cứ quân sự Guantanamo hay vấn đề nhân quyền. Bên cạnh đó là rào cản từ ngay chính quốc hội Mỹ và quan hệ với Venezuela.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba đang đứng trước những cơ hội lịch sử và điều quan trọng là các bên có thể tận dụng được nó hay không. Nếu làm được, thì điều này càng có ý nghĩa hơn khi một lần nữa chứng minh xu thế đối thoại và hòa giải trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay.
Theo CPV
Ý kiến ()