Mỹ công bố số đầu đạn hạt nhân đang sở hữu
Ảnh minh họa: Getty Images |
Theo số liệu từ Cơ quan An ninh Hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA), tính đến tháng 9/2020, quân đội Mỹ duy trì 3.750 đầu đạn hạt nhân kích hoạt và chưa kích hoạt, giảm 55 đầu đạn so với trước đó 1 năm và 35 đầu đạn so với năm 2018. NNSA đánh giá, số lượng đầu đạn hạt nhân Mỹ hiện đang sở hữu đã giảm khoảng 88% so với thời kỳ cao điểm vào cuối năm tài khóa 1967, với 31.255 đầu đạn hạt nhân. Con số này cũng tương ứng với mức giảm 83% so với 22.217 đầu đạn hạt nhân mà Mỹ sở hữu vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989.
Theo đánh giá của NNSA thì tăng cường tính minh bạch của kho dự trữ hạt nhân của các quốc gia là điều quan trọng đối với các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị, bao gồm các cam kết trong khuôn khổ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cũng như các nỗ lực xóa bỏ tất cả các loại vũ khí hạt nhân, bao gồm cả các vũ khí đã hay chưa kích hoạt, chiến lược và phi chiến lược.
Lần gần đây nhất Mỹ công bố số lượng đầu đạn hạt nhân là vào tháng 3/2018, với 3.822 đơn vị (tính đến tháng 9/2017). Đến năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đã quyết định sẽ không công bố số liệu cập nhật, đồng thời từ chối yêu cầu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ về giải mật số liệu đầu đạn hạt nhân mà nước này đang sở hữu.
Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố số lượng đầu đạn hạt nhân đang sở hữu nằm trong nỗ lực tái khởi động đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga, vốn bị đình trệ dưới thời người tiền nhiệm. Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định “tăng cường minh bạch kho vũ khí hạt nhân có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chống phổ biến và giải giáp vũ khí hạt nhân”.
Ông Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đánh giá, việc Mỹ công khai số liệu đầu đạn hạt nhân là một động thái nhằm “quay trở lại sự minh bạch”. Ông cho rằng, Tổng thống Mỹ J.Biden đã khôn ngoan khi đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm nhằm công khai số lượng đầu đạn hạt nhân của Mỹ.
Theo lập luận của ông Kristensen thì hành động này sẽ hỗ trợ các nhà ngoại giao Mỹ trong tiến trình đàm phán về kiểm soát vũ khí, gồm cả Hội thảo về Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) dự kiến diễn ra vào năm tới. Hội nghị này sẽ đánh giá cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân của các cường quốc đã tham gia ký kết NPT, trong đó có Mỹ.
Hiện chính quyền Tổng thống Mỹ J.Biden đang tiến hành kiểm đếm vũ khí hạt nhân và đánh giá chính sách liên quan dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm sau. Tại Hội thảo về giải trừ vũ khí hạt nhân diễn ra hồi tháng 2/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã khẳng định lập trường rõ ràng của ông J.Biden, đó là Mỹ có “mệnh lệnh an ninh quốc gia và trách nhiệm đạo đức” để giảm thiểu và cuối cùng là loại bỏ mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt hàng loạt./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()