Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới
Nhà Trắng vừa công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) chính thức đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo CNN, NSS nhấn mạnh nước Mỹ đang ở trong một cuộc cạnh tranh chiến lược “nhằm định hình tương lai trật tự quốc tế”. Khi thế giới tiếp tục đương đầu với những tác động của đại dịch Covid-19 và nền kinh tế toàn cầu bất ổn, “không có một quốc gia nào ở vị thế tốt hơn Mỹ để lãnh đạo bằng sức mạnh và sự quyết tâm”. Tờ Politico cho biết NSS xác định hiện là “thập niên mang tính quyết định” để thúc đẩy các lợi ích quan trọng của Mỹ. Để làm được điều đó, Mỹ sẽ chú trọng phát triển nền kinh tế quốc gia, hiện đại hóa quân đội và tăng cường các mối quan hệ đồng minh.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hồi tháng 7-2022. Ảnh: Reuters |
Theo tờ Politico, NSS khẳng định “kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh” đã chấm dứt, thể hiện ý định của Mỹ trong việc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ. CNN cho biết NSS xác định Nga và Trung Quốc là “các thách thức chiến lược cấp bách nhất” của Mỹ, trong đó Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất”. Kênh truyền hình Al Jazeera dẫn tài liệu nêu rõ, mặc dù Mỹ sẽ theo đuổi con đường ngoại giao để bảo đảm Iran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân, song Washington “luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ khác” để đối phó với Tehran nếu con đường ngoại giao thất bại. Mỹ cũng sẽ tiếp tục kiên trì con đường ngoại giao để “đạt tiến bộ rõ ràng” hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, đồng thời tăng cường “năng lực răn đe mở rộng” trước “các mối đe dọa tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt” từ Bình Nhưỡng. NSS tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của Israel, song cũng nêu rõ Washington ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine-Israel.
Bất chấp sự cạnh tranh chiến lược, NSS khẳng định Mỹ “phải duy trì và tăng cường hợp tác quốc tế” trong ứng phó các thách thức chung như: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực, chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân… “Chúng ta không được để những bất đồng ngăn cản sự hợp tác trong những vấn đề ưu tiên vì lợi ích của cả thế giới”, tờ Politico dẫn tài liệu nhấn mạnh.
Phát biểu với báo giới, CNN dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết NSS đã nêu rõ Nhà Trắng không nhìn nhận thế giới “chỉ qua lăng kính cạnh tranh chiến lược”. Trong khi đó, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ Jack Reed hoan nghênh việc Nhà Trắng công bố NSS và lưu ý việc NSS “công nhận rằng chúng ta phải hiện đại hóa quân đội”. Tờ Politico đánh giá ngôn từ trong NSS lần này tương đồng với NSS dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump-vốn khẳng định “sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã trở lại” cũng như NSS dưới thời Tổng thống Barack Obama-vốn nhấn mạnh “sự hợp tác với các đồng minh” trong các vấn đề toàn cầu.
Theo Reuters, tài liệu dài 48 trang vốn bị trì hoãn từ lâu này không có sự thay đổi lớn về tư duy và không đưa ra học thuyết đối ngoại mới quan trọng nào. Theo đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề quan trọng về chính sách đối ngoại, như: Thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, xích mích với đồng minh lâu năm Saudi Arabia… “Chiến lược này nhất quán với những ưu tiên mà Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần phát biểu công khai. Chiến lược nói tới sự hợp tác trong ứng phó với các thách thức toàn cầu nhưng không đề cập làm thế nào để bảo đảm có sự hợp tác như vậy”, Reuters dẫn lời ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Kể từ năm 1986, Quốc hội Mỹ quy định, tổng thống nhiệm kỳ mới của nước Mỹ có trách nhiệm đệ trình các nhà lập pháp nội dung NSS dưới thời cầm quyền của họ. Các tổng thống Mỹ thường sử dụng NSS để đề ra các mục tiêu lớn và ưu tiên trong việc bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ. NSS sẽ quyết định xu hướng chi ngân sách, chính sách quốc phòng và an ninh của Mỹ.
Ý kiến ()