Mỹ có thể đưa Thái Lan vào danh sách thao túng tiền tệ
Quy định trong đạo luật tài chính sửa đổi của Mỹ về thâm hụt thương mại.
Theo EIC, Thái Lan nhiều khả năng đạt mức thặng dư trao đổi thương mại với Mỹ là 6,4% trong năm nay, cao hơn giới hạn 2% của Washington. Thặng dư thương mại hiện tại vào khoảng 29,3 tỷ USD trên cơ sở hằng năm tính đến tháng 10, theo số liệu của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT), nhiều hơn mức năm ngoái là 28,5 tỷ USD.
EIC cho biết, BOT đã can thiệp để kiềm chế tình trạng đồng baht tăng giá liên tiếp trong hơn sáu tháng qua, nhưng cảnh báo thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ sẽ tiếp tục tăng thời gian tới, khiến Washington có thể đưa Bangkok vào danh sách bị giám sát hoặc là nước thao túng tiền tệ cần áp đặt thêm các rào cản thương mại.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, thặng dư thương mại mỗi năm của nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN với Mỹ ghi nhận ở mức 350,6 tỷ baht (11,6 tỷ USD), trong khi số liệu của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho thấy, năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Thái Lan là 19,3 tỷ USD. Chín quốc gia bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italia, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Theo đạo luật tài chính sửa đổi của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các nền kinh tế có thặng dư thương mại với Mỹ tương đương 2% GDP (so với mức 3% trước đây) sẽ bị đưa vào danh sách giám sát. Hai tiêu chí còn lại là sự can thiệp sâu vào thị trường ngoại hối với lượng mua ròng 2% GDP trở lên và thặng dư thương mại ít nhất 20 tỷ USD với Mỹ. Chỉ cần các nền kinh tế có hai trong ba tiêu chí trên sẽ bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích kinh tế cho rằng, khả năng Thái Lan bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát là không cao, bởi dù thặng dư thương mại của Bangkok với Washington khá lớn nhưng do đồng baht tăng giá nên vô hình trung giúp thâm hụt thương mại của Mỹ với Thái Lan giảm.
Ý kiến ()