Mỹ chính thức gia nhập trở lại UNESCO
Việc Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden tham dự lễ thượng cờ tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris của Pháp đánh dấu Washington chính thức gia nhập trở lại UNESCO sau một thời gian vắng mặt.
AP ngày 26-7 đưa tin, phát biểu tại buổi lễ, bà Biden nhấn mạnh, Mỹ “vô cùng tự hào” khi tái gia nhập UNESCO. Đệ nhất phu nhân Mỹ đồng thời nêu rõ việc nước này tái gia nhập UNESCO thể hiện cam kết của Tổng thống Joe Biden trong việc “khôi phục vai trò lãnh đạo” của Washington trên trường quốc tế. Trong khi đó, theo AFP, bà Biden cũng khẳng định Mỹ không thể một mình “đấu tranh cho các giá trị phổ quát” và cuộc đấu tranh ấy trở nên dễ dàng hơn với việc Washington “là một phần của cộng đồng quốc tế”.
AP dẫn lời Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhấn mạnh, việc Mỹ trở thành thành viên thứ 194 của UNESCO có ý nghĩa rất lớn với tổ chức này nói riêng và đối với chủ nghĩa đa phương nói chung. Bà Azoulay cho rằng, với việc Mỹ tái gia nhập, “động lực của UNESCO sẽ tăng lên”, qua đó góp phần thúc đẩy các sáng kiến của tổ chức này trên phạm vi toàn thế giới. “Trong thời điểm chia rẽ, rạn nứt và các mối đe dọa hiện hữu, chúng ta có mặt tại đây để tái khẳng định sự đoàn kết. Cùng với nhau, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn”, bà Azoulay nói.
Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden phát biểu tại lễ thượng cờ ở trụ sở UNESCO. Ảnh: AP |
UNESCO có trụ sở tại Paris (Pháp), bắt đầu hoạt động từ năm 1946 và là một tổ chức có uy tín cao, đông đảo thành viên cũng như có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực, nhất là giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin và truyền thông. Trong các sứ mệnh nổi bật của UNESCO phải kể đến việc thúc đẩy giáo dục giới tính, xóa mù chữ, cải thiện bình đẳng giới ở các quốc gia trên thế giới; giúp bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử…
Theo AP, đây là lần thứ hai Mỹ quay trở lại UNESCO. Mỹ từng rút khỏi UNESCO vào năm 1984 dưới thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan và tái gia nhập tổ chức này vào năm 2003 dưới thời chính quyền Tổng thống George W.Bush. AFP cho biết, Mỹ là một thành viên sáng lập và là quốc gia đóng góp chủ yếu, lên tới 22% ngân sách hằng năm của UNESCO (khoảng 75 triệu USD). Tuy nhiên, đến năm 2011-thời điểm UNESCO chấp nhận Palestine là một thành viên, Mỹ đã bắt đầu ngừng đóng góp tài chính cho UNESCO. Nguyên nhân, theo như đài NPR chỉ ra, là Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại được thông qua năm 1990 quy định Mỹ cắt hỗ trợ cho bất kỳ tổ chức nào của Liên hợp quốc coi Tổ chức Giải phóng Palestine có vị thế giống như các quốc gia thành viên khác. 6 năm sau đó, vào năm 2017, Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ, cùng với Israel rút khỏi UNESCO, với lý do tổ chức này thiên vị và chống lại nhà nước Do Thái.
Tới tháng 6-2023, chính quyền của đương kim Tổng thống Biden đã gửi thư cho Tổng giám đốc UNESCO Azoulay đề xuất Mỹ tái gia nhập. Động thái này diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ đưa ra quyết định miễn trừ từ đầu năm nay cho tới năm 2025 việc áp dụng Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại đối với trường hợp UNESCO. Ngoài ra, Washington cũng cam kết sẽ thanh toán dần khoản đóng góp hơn 600 triệu USD cho UNESCO đối với khoảng thời gian gián đoạn đã qua, đồng thời cung cấp thêm khoản tài trợ tự nguyện cho các chương trình của UNESCO. Tại phiên họp toàn thể bất thường vào ngày 30-6 vừa qua, các nước thành viên UNESCO đã bỏ phiếu ủng hộ Mỹ tái gia nhập tổ chức này.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/my-chinh-thuc-gia-nhap-tro-lai-unesco-736315
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()