Mỹ, châu Âu và Nga chạy đua về năng lượng tái sinh
Năng lượng là một trong những vấn đề nóng nhất của thế giới ngày nay, là chiến trường để các cường quốc đua tranh đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái sinh. Họ đang thực hiện những gì và tương lai ra sao?
Gần 2 tỷ đôla sẽ bỏ ra để phát triển năng lượng mặt trời ở Mỹ. Thông tin này được Tổng thống Obama gửi đến người dân. Bộ Năng lượng đã cấp kinh phí cho hai công ty để xây dựng nhà máy điện mặt trời trong đó một công ty sẽ xây nhà máy lớn nhất thế giới sử dụng nguồn năng lượng này.
Khoản kinh phí ấy nằm trong chương trình kích thích của Nhà nước mà Tổng thống Obama đã nói đến Tháng hai 2010. Công ty Abengoa Solar, chi nhánh của công ty Tây Ban Nha Abengoa SA, sẽ nhận được 1,54 tỷ đôla để xây dựng Nhà máy lớn nhất thế giới này, đặt tại bang Arizona, có khả năng cung cấp điện cho 70.000 hộ gia đình và tạo ra khoảng 1.699 công ăn việc làm cho người lao động.
Công ty thứ hai được Nhà nước cấp kinh phí là Abound Solar Manufacturing với 400 triệu đôla để sản xuất pin mặt trời màng mỏng cho các nhà máy, một ở bang Indiana và một ở bang Colorado.
Tổng thống Obama đã chỉ ra sự liên quan trực tiếp giữa việc lãnh đạo lãnh vực năng lượng tái sinh và việc lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh Mỹ sẽ thực hiện những cố gắng chưa từng có để triển khai những công nghệ năng lượng mới.
Những nhà máy tương tự cũng sẽ được xây dựng tại Đức và Trung Quốc. Không ai muốn đứng ở vị trí thứ hai. Những nước này đều nhận thức được người nào đứng đầu về năng lượng sạch, sẽ chính là người đứng đầu nền kinh tế thế giới. Obama nhấn mạnh: nếu Mỹ không coi điều này là một mệnh lệnh, thì Mỹ sẽ mất vai trò của mình. 15 năm trước, Mỹ chiếm 40% trong tổng số các tấm pin năng lượng mặt trời nhưng năm 2008 chỉ còn 5%.
Quang cảnh một nhà máy điện mặt trời tại Mỹ. |
Châu Âu đang là người dẫn đầu về tạo dựng nguồn năng lượng thay thế. Dù tốc độ phát triển đang chậm lại, nhưng tỷ lệ của họ trong tổng công suất năng lượng tái sinh đã tăng từ 14,6% năm 2006 lên 17,3% năm 2008.
Tuy đặt mục tiêu “đuổi kịp và vượt”, nhưng Mỹ vẫn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng. Tổng thống Mỹ đã phát biểu, rằng không chỉ chú trọng năng lượng mặt trời, Mỹ còn phải cải tạo lại cả ngành năng lượng công nghệ lạc hậu hiện có và ông ước tính để làm điều này phải chi 3,4 tỷ đôla.
Nhà Trắng không bỏ toàn bộ số “trứng năng lượng” vào cái “giỏ mặt trời”. Họ bắt đầu chú trọng vào năng lượng hạt nhân và Obama cho biết ông sẽ duyệt chi 8,3 tỷ đôla vào việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, xây tại bang Georgia, theo mô hình của nhà máy xây năm 1979.
Những tuyên bố của ông Obama không chỉ để thực hiện lời hứa khi tranh cử về năng lượng xanh mà còn lôi cuốn sự chú ý của dân chúng vào việc ông đã xử lý tốt thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico. Việc làm của ông còn nhằm đáp lại việc Nga đang đề xuất công nghê PATES, nhà máy điện nguyên tử nổi cũng như những phát minh của các nhà khoa học Nga trong lĩnh vực điện mặt trời.
Tuần trước, tại St. Petersburg, công ty “Baltic Plant” của Nga đã khánh thành một nhà máy điện nổi mang tên “Viện sĩ Lomonosov” thuộc loại này.
Thiết kế của một nhà máy điện nguyên tử nổi ở Nga. |
Nhà máy nổi cung cấp đồng thời điện và nhiệt, kết hợp với việc làm ngọt nước với khả năng khử muối cho từ 40.000 đến 240.000 m3 nước biển trong 24 giờ. Với tính đa dụng như vậy, nhà máy này được nhiều nước rất quan tâm.
Các công nghệ năng lượng mới đang trở thành một trường đua của tất cả các nước. Điều này dễ hiểu, vì nếu năng lượng rẻ sẽ hạ giá thành sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Về năng lượng mặt trời, Nga chưa có vai trò gì trong thị trường mới nổi. Về sản lượng pin mặt trời, Nga chiếm chưa đầy 1% và phải cố gắng rất nhiều để vươn lên. Các nhà khoa học Nga gần đây có thành công lớn trong lãnh vực pin tầng (cascade cell) có hiệu quả hơn pin silic truyền thống 2-3 lần.
Một loại pin nhỏ chế tạo từ gali asenua tạo ra điện năng nhiều hơn pin silic kiểu cũ 2 lần. Vì có nhiều lớp dày, nó hấp thụ một phần lớn quang phổ mặt trời ở khoảng nanomet. Điện sản xuất ra rẻ bằng nửa năng lượng truyền thống từ dầu và khí. Từ đầu năm nay, pin mặt trời loại này đã được sản xuất hàng loạt tại một nhà máy ở Stavropo và đang triển khai tại nhiều nơi khác. Dự kiến đến năm 2015, tổng công suất các nhà máy pin mặt trời sẽ lên đến 85 MW/năm và doanh thu ước 130 triệu euro.
Chương trình quốc gia “Một trăm nghìn mái nhà lắp pin mặt trời” bắt đầu thực hiện ở Đức vài năm trước. Các chủ hộ bỏ tiền ra đầu tư thiết bị và phần năng lượng không dùng hết sẽ được mạng lưới điện mua lại với giá cao. Một chương trình tương tự “Một triệu mái nhà lắp pin mặt trời” cũng được triển khai tại Mỹ.
Ý kiến ()