Mỹ cảnh báo chỉ còn vài tuần để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran
Các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA hiện đang tạm dừng, song Đặc phái viên Mỹ về Iran bày tỏ hy vọng tiến trình đàm phán sẽ được nối lại “tương đối sớm.”
Đặc phái viên Mỹ về Iran, ông Rob Malley, ngày 21/12 cảnh báo chỉ còn “vài tuần” để khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nếu Iran tiếp tục các hoạt động hạt nhân với tốc độ hiện nay.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN, ông Malley cảnh báo về “giai đoạn khủng hoảng leo thang” nếu các nỗ lực ngoại giao hiện nay không thể khôi phục thỏa thuận JCPOA được ký giữa Iran và nhóm P5 1 (gồm Pháp, Anh, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA hiện đang tạm dừng, song ông Malley bày tỏ hy vọng tiến trình đàm phán sẽ được nối lại “tương đối sớm.”
Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này phục vụ các mục đích dân sự, tuy nhiên các cường quốc phương Tây cho rằng kho dự trữ urani làm giàu của Tehran có thể được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21/12 cho biết ông không áp đặt thời hạn chót cho các cuộc đàm phán, nhưng cho rằng “còn rất ít” thời gian để khôi phục thỏa thuận.
Theo thỏa thuận JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận do cho rằng JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.
Về phần mình, Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại.
Các bên đã tiến hành đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận và vòng đàm phán mới đây nhất được khởi động lại tại thủ đô Vienna của Áo tháng 11 vừa qua sau hơn 5 tháng tạm dừng đàm phán. Mỹ tham gia gián tiếp tại vòng đàm phán này. Vòng đàm phán kết thúc ngày 17/12 vừa qua.
Trong vòng đàm phán mới nhất này, yêu cầu hàng đầu của phía Iran là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này cũng như những đảm bảo nhằm ngăn ngừa khả năng Mỹ lại rút khỏi thỏa thuận trong tương lai. Trong khi đó, phía Mỹ muốn Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận trước tiên./.
Ý kiến ()