Mỹ-Ấn Độ có thể không kịp đạt được thỏa thuận thương mại hạn chế
Hiện hai bên đang nỗ lực thương thuyết để khôi phục phần nào ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho Ấn Độ cũng như cải thiện tiếp cận thị trường Ấn Độ cho một số mặt hàng nông sản và thiết bị y tế của Mỹ.
Mỹ và Ấn Độ khó có thể đạt được một thỏa thuận thương mại hạn chế trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới, giữa lúc các mức thuế do phía Ấn Độ đề xuất đã làm phức tạp hóa các cuộc đàm phán giữa hai bên.
Phát biểu với báo giới ngày 20/2, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn Độ (USIBC) Nisha Biswal cho biết hy vọng về khả năng hai nước có thể nhanh chóng thu hẹp bất đồng trong đàm phán thương mại đang dần phai mờ.
Hiện hai bên đang nỗ lực thương thuyết để khôi phục phần nào ưu đãi thương mại mà Mỹ dành cho Ấn Độ cũng như cải thiện tiếp cận thị trường Ấn Độ cho một số mặt hàng nông sản và thiết bị y tế của Mỹ.
Người đứng đầu USIBC bày tỏ hy vọng Mỹ và Ấn Độ có thể đạt một thỏa thuận, song các dấu hiệu đang cho thấy chính phủ hai nước khó có thể đạt thỏa thuận này trong thời điểm hiện nay.
Các công ty thành viên của USIBC hoạt động tại Ấn Độ kỳ vọng hơn một năm đàm phán giữa hai nước sẽ đưa đến một thỏa hiệp có thể thiết lập nền tảng cho một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn trong tương lai.
Bà Biswal nói rằng USIBC và Phòng Thương mại Mỹ đang hối thúc Tổng thống Trump trong chuyến thăm Ấn Độ trong hai ngày 23-24/2 làm việc với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi để đưa ra một khuôn khổ, theo đó hai bên có thể thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được nhận thức với kết quả đảm bảo sự cân bằng phù hợp cho cả hai bên. Đây là quá trình đàm phán phức tạp. Chúng tôi không muốn vội vàng đạt được thỏa thuận, vì các vấn đề liên quan rất phức tạp và những quyết định tiềm tàng sẽ thực sự tác động đến cuộc sống của người dân cũng như gây ra các hậu quả kinh tế lâu dài.”
Trả lời câu hỏi khi nào Ấn Độ và Mỹ sẽ ký một thỏa thuận thương mại song phương, Người phát ngôn Raveesh Kumar lưu ý Ấn Độ không muốn đặt ra bất kỳ thời hạn nào.
Ông Kumar cho biết thêm hai bên đang thảo luận về khoảng 5 bản ghi nhớ (MoU) và vấn đề liên quan đến visa H1B sẽ được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Trump.
Theo kế hoạch, Tổng thống Trump sẽ đến Ấn Độ vào ngày 23/2 trong chuyến thăm kéo dài hai ngày nhằm hàn gắn các mối quan hệ song phương vốn bị tổn thương do những tranh cãi về thương mại.
Hiện Ấn Độ và Mỹ đang nỗ lực thu hẹp những bất đồng về thuế quan và yêu sách của Mỹ đòi tiếp cận nhiều hơn đối với thị trường sữa và gia cầm của Ấn Độ./.
Ý kiến ()