Muôn vẻ “Mèo du Xuân”
Ðến hẹn lại lên, mỗi dịp cận kề Tết Nguyên đán hằng năm, các triển lãm nghệ thuật chủ đề con giáp của năm mới lại là điểm hẹn giàu cảm xúc đối với công chúng và nghệ sĩ.
Không gian triển lãm “Mèo du Xuân” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Những ngày tháng Chạp này, người dân và du khách đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) có dịp thưởng lãm gần 100 tác phẩm chủ đề “Mèo du Xuân”, đón nhận những thông điệp tích cực từ tài năng và sáng tạo của 28 nghệ sĩ đương đại Việt Nam.
Mừng Xuân Quý Mão 2023, triển lãm “Mèo du Xuân” mở cửa đón khách tham quan tấp nập trong dịp nghỉ Tết Dương lịch vừa qua và sẽ diễn ra đến hết ngày 10/1. Sự kiện do Gallery 39 (sáng lập bởi họa sĩ Lê Thiết Cương) tổ chức, là triển lãm quy tụ đông đảo họa sĩ, văn nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều hoạt động sôi nổi trong những năm gần đây. 28 tác giả là 28 cá tính nghệ thuật riêng biệt, trong đó có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nhà văn Hữu Ước… cùng nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc đã thành danh trong giới mỹ thuật như: Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Ðào Hải Phong, Trần Giang Nam, Nguyễn Hồng Quang, Ðỗ Dũng, Lê Ðình Nguyên…
Mèo – loài vật biểu tượng của năm, là hình tượng xuyên suốt triển lãm song không vì thế mà các tác phẩm trùng lặp, một màu. Mèo xuất hiện trong tranh đa dạng từ chất liệu: sơn dầu, sơn mài, bột mầu, xé giấy… cho đến bối cảnh, tạo hình: mèo ở phố, mèo giữa thiên nhiên, đàn mèo bên nhau, mèo bên thiếu nữ, mèo bên trẻ em… Mèo tươi tắn, dễ thương trong tranh họa sĩ Bùi Thanh Thủy; mèo mạnh mẽ, ấn tượng trong tranh họa sĩ Trần Giang Nam… Tranh xé giấy của họa sĩ Hoàng Phương Liên khắc họa gia đình mèo được người xem chú ý bởi sự độc đáo và kỳ công, lối sáng tạo ngẫu hứng của tác giả.
Loạt tranh gợi liên tưởng về một mái ấm hạnh phúc với người mẹ mềm mại và dịu dàng ôm ấp đàn con, người cha mạnh mẽ che chở cả nhà, còn các chú mèo con hồn nhiên, dễ thương như những bông hoa nhỏ. Thể loại này không chỉ khó về kỹ thuật xử lý các mảng giấy mà còn đòi hỏi họa sĩ tiết chế được sự tương phản mầu sắc sao cho hài hòa, không chói gắt, bởi đặc điểm của giấy mầu thủ công thường là mầu cơ bản, ít mầu trung gian. Họa sĩ Ðỗ Dũng, tác giả góp mặt tại triển lãm với bộ tranh mèo theo phong cách tranh dân gian, chia sẻ: “Hình tượng con mèo trong hội họa thường được thể hiện một cách tươi vui, nhanh nhẹn, tinh anh, khỏe khoắn. Ðó cũng là một loài vật gần gũi, thân thiết trong đời sống người Việt Nam”.
Bên cạnh hội họa, các tác phẩm điêu khắc cũng rất phong phú và có nhiều thể nghiệm táo bạo. Mèo được vuốt nặn từ gốm Phù Lãng, gốm Hương Canh, cắt uốn từ kim loại, khắc trên gỗ. Họa sĩ Lê Thiết Cương mang tới bộ tác phẩm mèo bằng đồng và sắt, còn nghệ nhân Vũ Hữu Nhung đóng góp cho triển lãm những chú mèo từ quê hương làng gốm cổ trăm năm tuổi Phù Lãng (Bắc Ninh). Mèo gốm có tạo hình không quá chi tiết, mầu sắc cũng đơn giản là những tông mầu của đất, nhưng đặc biệt là đôi mắt được chế tác tinh xảo, có hồn. Nhà điêu khắc trẻ Lê Minh Trí cũng có dấu ấn riêng với bộ tượng mèo bằng gỗ phủ sơn rồi vẽ thêm các họa tiết, các mảng mầu tương phản mạnh, tạo thành một phong cách điêu khắc pha hội họa.
Lạ mắt, sống động và thu hút ánh nhìn của nhiều khán giả đến triển lãm là tác phẩm điêu khắc động “Mèo con đi học” của họa sĩ Lê Ðình Nguyên, đặc tả mèo mẹ và mèo con đứng bên nhau trong tán lá cọ xòe to dưới cơn mưa. Sự kết hợp đa phương tiện của điêu khắc, sắp đặt và cả âm thanh đã thể hiện tinh thần sáng tạo của người nghệ sĩ, giúp người xem có trải nghiệm thú vị. Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Ðình Nguyên từng nhiều lần khẳng định sự hứng thú với hình tượng 12 con giáp và cũng gặt hái thành công khi theo đuổi đề tài này. Họa sĩ cho biết đã sử dụng hai vỏ đạn pháo để tạo hình “Mèo con đi học” và cảm thấy rất hợp. Chất liệu tạo cảm xúc về một thời bom đạn gian khổ và hào hùng đã qua, trong khi tình mẫu tử của mẹ con nhà mèo lại mang đến cảm giác thân thương, bình yên trong tâm hồn. Không kém phần ý nghĩa là bộ tượng mèo của nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận (Quảng Nam), những tác phẩm điêu khắc tái sinh gỗ lụt sông Thu Bồn thành hình hài mới đầy tính nghệ thuật. Theo tác giả, gỗ từ thượng nguồn trôi về và được vớt lên ở cửa sông sau mỗi mùa mưa lũ, rồi được xử lý, tạo hình với nhiều dấu ấn về họa tiết, hình khối từ nghệ thuật điêu khắc gỗ của người dân tộc Cơ Tu ở các huyện miền núi Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam). Mỗi tác phẩm không chỉ đề cập việc bảo vệ, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý mà còn kể câu chuyện văn hóa bản địa, lan tỏa rộng rãi tới công chúng.
Bên cạnh hình tượng mèo, triển lãm còn đưa người xem “du Xuân” với một số tác phẩm về phong cảnh đất trời, hoa cỏ mùa xuân. Thời điểm vạn vật sinh sôi, con người hân hoan đón chào những điều mới mẻ, dù năm nào cũng vậy nhưng chưa bao giờ khiến nghệ sĩ vơi nguồn cảm hứng. Chẳng hạn như tác phẩm “Ngày Tết” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng vẽ nên một phiên chợ Tết rực rỡ, xôn xao, có thể bắt gặp ở nhiều miền quê trên đất nước. Bức “Vườn yêu” của họa sĩ Phạm Trần Quân với các sắc độ hồng, đỏ, xanh đan xen quấn quýt, dù không vẽ cụ thể loài hoa nào nhưng cũng khiến người xem nghĩ ngay đến những vườn đào, rừng đào đầy sức sống của mùa xuân…
Có thể ví triển lãm “Mèo du Xuân” giống như lời chúc mừng năm mới bằng nghệ thuật, bằng cái đẹp mà các nghệ sĩ gửi đến tất cả mọi người, với mong ước về một năm mới hạnh phúc và thành công.
https://nhandan.vn/muon-ve-meo-du-xuan-post733473.html
Ý kiến ()