Mười năm sau vụ khủng bố 11-9: Những điều cần suy ngẫm
Sau vụ tiến công khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ, Tổng thống Mỹ khi đó, ông G.Bush, đã chính thức phát động chiến tranh chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, mười năm qua, bên cạnh những thành công nước Mỹ cũng phải trả giá khá đắt cho cuộc chiến nói trên.Các nhà phân tích cho rằng, trong 10 năm qua, mặc dù Mỹ thu được một số thành công nhất định, nhưng những vụ tiến công khủng bố trên phạm vi toàn cầu không hề giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Tình hình an ninh thế giới chưa được cải thiện mang tính căn bản, mà ngược lại, thế giới ngày càng mất an toàn hơn. Dư luận cho rằng, điều đó có liên quan chặt chẽ với chính sách đối ngoại của Mỹ. Đối mặt tình hình chống khủng bố hiện nay, Mỹ có lẽ cần tư duy và xem xét lại quan niệm giá trị đằng sau chính sách đối ngoại của mình.Sinh mạng và tiền bạcSau sự kiện 11-9, người Mỹ đã bừng tỉnh trong ảo tưởng về vấn đề an ninh. Họ nhận thấy rằng khoảng cách giữa...
Sau vụ tiến công khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ, Tổng thống Mỹ khi đó, ông G.Bush, đã chính thức phát động chiến tranh chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, mười năm qua, bên cạnh những thành công nước Mỹ cũng phải trả giá khá đắt cho cuộc chiến nói trên.
Các nhà phân tích cho rằng, trong 10 năm qua, mặc dù Mỹ thu được một số thành công nhất định, nhưng những vụ tiến công khủng bố trên phạm vi toàn cầu không hề giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Tình hình an ninh thế giới chưa được cải thiện mang tính căn bản, mà ngược lại, thế giới ngày càng mất an toàn hơn. Dư luận cho rằng, điều đó có liên quan chặt chẽ với chính sách đối ngoại của Mỹ. Đối mặt tình hình chống khủng bố hiện nay, Mỹ có lẽ cần tư duy và xem xét lại quan niệm giá trị đằng sau chính sách đối ngoại của mình.
Sinh mạng và tiền bạc
Sau sự kiện 11-9, người Mỹ đã bừng tỉnh trong ảo tưởng về vấn đề an ninh. Họ nhận thấy rằng khoảng cách giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương không thể ngăn chặn những mối đe dọa của các tổ chức khủng bố, một lực lượng không mang tính quốc gia.
Và rồi, Washington vội vã tăng đầu tư cho các hoạt động tình báo và chống khủng bố: Ở trong nước, Mỹ thành lập Bộ An ninh nội địa và chi hàng trăm tỷ USD nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh. Về đối ngoại, Washington mở rộng lực lượng quân sự, tăng chi phí quốc phòng từ 363,1 tỷ USD năm tài khóa 2001 đến 725 tỷ USD năm 2010.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Cohen cho biết, sau khi áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm an ninh cả ở trong nước và nước ngoài, Mỹ cho đến nay không để tái diễn thảm kịch như vụ khủng bố 11-9-2001, tình hình an ninh cũng được cải thiện. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mặc dù Mỹ đạt được một số tiến bộ nhất định trong lĩnh vực chống khủng bố, nhưng cái giá mà nước Mỹ phải trả lại quá lớn.
O’Hanlon, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) nói với phóng viên Tân Hoa xã rằng: Thứ nhất, hai cuộc chiến tranh tại Afghanistan và Iraq do Washington phát động đã khiến Mỹ trả giá bằng 6.000 sinh mạng và 2.000 tỷ USD.
Thứ hai, dư luận rộng rãi cho rằng, việc Mỹ phát động chiến tranh ở Trung Đông đã làm mất đi thế cân bằng chiến lược ở khu vực này. Kết quả là: tâm lý chống Mỹ lên cao trong thế giới Arab. Sau cuộc chiến tranh ở Iraq, Iran ngày càng có ảnh hưởng ở Trung Đông, và vai trò điều phối của Mỹ trong cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel giảm hẳn. Ngoài ra, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã khiến chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh hơn.
Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Brookings, ông Indyk, cho biết: Sau sự kiện 11-9, những phản ứng của Mỹ đã khiến quan hệ giữa Washington và thế giới Arab trở nên phức tạp hơn. Sự kiện 11-9 ảnh hưởng sâu sắc đến vị thế của Mỹ trên thế giới, và dư âm của nó vẫn còn kéo dài đến nay.
Bài học chống khủng bố
Các nhà phân tích cho rằng, bài học lớn nhất của Mỹ là “lạm dụng” vũ lực, tự ý mở rộng đối tượng tiến công trong cuộc chiến chống khủng bố, khiến Mỹ sa lầy tại nhiều nơi. Sau vụ 11-9, Mỹ lập tức phát động chiến tranh tại Afghanistan nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố Al Qaeda. Đến nay, Mỹ đã đạt được mục tiêu đó. Một quan chức Mỹ nhận định: Tại Afghanistan hiện chỉ còn vài chục phần tử thuộc Al Qaeda. Tuy nhiên, các hành động quân sự của Mỹ lại mở rộng nhằm vào Taliban, khiến hơn 100 nghìn quân nhân Mỹ sa lầy tại đây.
Cuộc chiến tranh Iraq là bài học bi thảm của Mỹ trong việc mở rộng cuộc chiến chống khủng bố. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Cohen cho rằng, Chính quyền Sadam Husein và sự kiện 11-9 không hề có mối liên hệ nào, nhưng Mỹ vẫn phát động chiến tranh chống Iraq bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, điều đó khiến Mỹ trả giá đắt về sinh mạng con người và tổn thất kinh tế. Ông Indyk cho rằng, Mỹ chỉ nên đánh vào kẻ tiến công mình chứ không nên mượn cớ đó để thực hiện mục đích khác.
Cựu Bộ trưởng Cohen cho rằng, tiến công Iraq nhưng không thể kết thúc nhanh cuộc chiến này. Theo ông Cohen, việc chỉ tính đến việc sử dụng vũ lực đối với Iraq mà không có sự chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến đã gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa Mỹ và các nước, đồng thời tạo ra những mâu thuẫn ngay trong nội bộ nước Mỹ. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã bắt bớ một cách tuỳ tiện những kẻ họ nghi ngờ, và sử dụng cực hình trong khi thẩm vấn. Điều đó rõ ràng đi ngược với nhừng gì họ rêu rao: “Dân chủ, tự do và pháp trị”.
Sự kiện 11-9 cũng làm thay đổi trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước khi xảy ra vụ khủng bố nói trên, những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Bush là chú trọng mối quan hệ với những nước lớn như Trung Quốc, Nga, tiến trình hoà bình Trung Đông, xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa và việc đối phó với cái mà Mỹ gọi là “trục ma quỷ”. Nhưng sau sự kiện 11-9, Chính phủ Mỹ lại ra sức tiến hành chiến lược chống khủng bố theo chủ nghĩa đơn phương và sẵn sàng “đánh đòn phủ đầu”. Rõ ràng, trọng điểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã dịch chuyển sang đối phó các mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố trên phạm vi toàn cầu, trong đó có tổ chức khủng bố Al Qaeda.
Ông Indyk chỉ ra rằng, nhìn lại lịch sử, Mỹ thường hướng dư luận vào các vấn đề trong nước sau khi tiến hành những cuộc chiến tranh tốn kém, nhưng khi lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng sẽ lại hướng dư luận vào các vấn đề ở ngoài nước Mỹ. Và cuộc chiến tranh tại Libya là một thí dụ.
Tuy nhiên, trong một tài liệu của nhà sử học Leffler thuộc trường Đại học Virginia của Mỹ đăng trên Tạp chí Ngoại giao (Mỹ) cho rằng, chính sách của Washington sau vụ 11-9 về bản chất không hề xa rời mục tiêu chiến lược dài hơi của Mỹ. Những điều mà Washington muốn là: luôn là quốc gia đứng đầu thế giới; luôn lãnh đạo thế giới; có ưu thế quân sự tuyệt đối; sẵn sàng hành động đơn phương trong điều kiện cần thiết… Những điều đó không hề thay đổi trong nội hàm chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Leffler cho rằng, người Mỹ cần xem xét lại về sự “ngạo mạn” của mình bên cạnh việc khẳng định giá trị quan kiểu Mỹ. Ngoài ra, Mỹ cần thừa nhận rằng bản thân nước Mỹ đang là khởi nguồn của sự phẫn nộ trong thế giới Arab.
10 năm sau vụ khủng bố 11-9, nước Mỹ ngoài việc xem xét lại chính sách chống khủng bố của mình, còn phải suy nghĩ về lịch sử và giá trị quan của chính sách đối ngoại mà họ đang theo đuổi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()