Mừng ít, lo nhiều
LSO-Lễ hội đầu năm là thời điểm “vàng” cho dịch vụ ăn uống mọc lên như nấm sau mưa. Theo thống kê của ngành chức năng, đến thời điểm này toàn tỉnh chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra tại các lễ hội, nhưng thực trạng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các lễ hội thời gian qua vẫn tồn tại không ít nỗi lo.
Một quầy hàng phục vụ du khách tại lễ hội Bủng Kham (Tràng Định) |
Xứ Lạng có hơn 300 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Vì vậy, ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lượng người đổ về các lễ hội tăng đột biến. Để phục vụ nhu cầu giao lưu, ăn uống của du khách, các hàng quán nhỏ lẻ, di động, ăn uống cũng tăng theo.
Theo quan sát của phóng viên tại lễ hội chùa Tà Lài (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng), trên khoảng đất ruộng trống phía trước chùa, ngay cạnh quốc lộ 4A, gần 20 quán hàng đã được cắm cọc, che bạt, bày hàng từ sáng sớm tinh mơ. Thịt sống, thịt chín, bánh mỳ, xoài ướp… không được che đậy. Người bán hàng không đeo găng tay, thản nhiên đếm tiền, quạt lò than rồi lại bốc thức ăn cho khách…
Hiện tượng này xuất hiện phổ biến ở các lễ hội từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Đáng nói là tình trạng không đảm bảo ATVSTP còn xảy ra ở một số nhà hàng lớn gần khu vực lễ hội. Khi bước vào Nhà hàng Đồng Quê (Tràng Định), trước mắt thực khách là tấm giấy chứng nhận bảo đảm ATVSTP được lồng khung kính treo khá trang trọng. Thế nhưng, những quy định về việc bảo quản thực phẩm, vệ sinh dụng cụ chế biến thức ăn lại chưa được nhà hàng chấp hành nghiêm túc… Trong bếp ăn, các loại thực phẩm để ngổn ngang, mớ túi nilông đựng đồ ăn đã qua sử dụng vứt bừa bãi trên mặt bếp. Bà Vũ Thị Ngọc Diệp, chủ nhà hàng phân minh: Trung bình mỗi ngày hội, nhà hàng đón tiếp hơn 200 khách. Do lượng khách đông nên công tác bảo đảm ATVSTP cũng có lúc còn sơ sót.
Thực tế trên cho thấy, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn… Ông Phạm Công Anh, Chi cục trưởng Chi Cục ATVSTP cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 91/KH-BCĐ, ngày 27/12/2017 của Ban Chỉ đạo về ATVSTP tỉnh về triển khai công tác đảm bảo ATVSTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018, từ tỉnh đến huyện, thành phố đồng loạt tổ chức tuyên truyền gắn với thanh, kiểm tra và ký cam kết bảo đảm ATVSTP. Theo đó, có trên 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống được thanh, kiểm tra và ký cam kết; trong số đó có khoảng 10% cơ sở vi phạm đã bị nhắc nhở, xử phạt. Riêng Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh, kiểm tra ATVSTP ở hơn 21 cơ sở, trong đó có 9 cơ sở đạt yêu cầu (đạt 42,9%); trong khi năm 2017 có 61,1% cơ sở được kiểm tra đạt yêu cầu. Đoàn đã xử phạt 12 cơ sở với số tiền 15 triệu đồng. Đáng mừng là Tết Nguyên đán vừa qua, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc nào. Tuy nhiên những người kinh doanh thời vụ khó nắm bắt, xử lý nên nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn. Người dân dự hội cần nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe.
Quan tâm đến đảm bảo ATVSTP dịp này, tỉnh đã cấp trên 120 triệu đồng cho Sở Y tế để mua sắm 13 danh mục thiết bị xét nghiệm nhanh, kiểm tra nhanh ATTP. Qua xét nghiệm nhanh phát hiện 5% (trong tổng số 80 mẫu thực phẩm) không đảm bảo ATVSTP. Với những cơ sở vi phạm, các đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu chủ cơ sở khẩn trương khắc phục và giao cho Ban Chỉ đạo về ATVSTP các huyện, thành phố giám sát và hậu kiểm. Những cơ sở tái phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Mùa lễ hội ở Lạng Sơn kéo dài đến tận tháng 4 âm lịch. Do đó, những bất cập về ATVSTP rất cần được các cấp, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo và kiên quyết xử lý để những lễ hội diễn ra vui tươi, an toàn.
Chi cục ATVSTP tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện đường dây nóng của tỉnh, dự kiến sẽ hoạt động từ tháng 3/2018 để tiếp nhận những thông tin liên quan đến thực phẩm bẩn. Theo quy định, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về ATVSTP là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. |
MINH NGỌC – HOÀI AN
Ý kiến ()