Mục tiêu 'xanh hóa' ngành năng lượng còn nhiều thách thức
Chiến lược tăng trưởng xanh đòi hỏi sự đóng góp của rất nhiều lĩnh vực như tiêu dùng xanh, sản xuất xanh…. và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trong quá trình “thoát cũ, xây mới”, làm thế nào để vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển kinh tế và chữ “xanh” vẫn phủ nhiều hơn – Ảnh minh họa
Với quan điểm phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, theo hướng tự chủ, năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55/NQ-TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bám sát Nghị quyết này và kế thừa các Quy hoạch điện lực, Chiến lược phát triển năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình và được Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch ngành năng lượng, trong đó có quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các quy hoạch này trở thành một trong những định hướng cơ bản cho hoạt động của các lĩnh vực trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch về năng lượng hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Điểm chung nổi bật của 3 Quy hoạch ngành quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương nêu trên chính là khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Theo PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc: Đây là một nỗ lực lớn của Chính phủ và Bộ Công Thương khi mà một lúc ban hành 3 quy hoạch quan trọng.
Khó khăn về nguồn vốn
Thông tin tại Tọa đàm “Tìm giải pháp thực hiện quy hoạch ngành năng lượng, đáp ứng cam kết Net zero” ngày 21/9 mới đây, đại diện Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) cho biết, liên quan đến Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, chủ yếu mang tính định hướng về vị trí, quy mô hệ thống kho dự trữ, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, khí đốt trên phạm vi cả nước để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hiệu quả, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo hạ tầng dự trữ, an ninh năng lượng.
Vốn đầu tư các dự án này chủ yếu là vốn của doanh nghiệp. Ngân sách nhà nước chủ yếu ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ quốc gia. Do vậy, khó khăn lớn nhất trong thực hiện quy hoạch là vốn ngân sách hạn chế nên việc xây dựng hạ tầng dành riêng cho dự trữ quốc gia là khó khăn.
Bên cạnh đó còn khó khăn về nguyên liệu đầu vào, nguồn than cho sản xuất điện do việc gia tăng khối lượng lớn than sản xuất trong nước bị hạn chế do điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn. Nhu cầu sử dụng than trong nước hiện tại đã vượt khả năng sản xuất và có xu hướng ngày càng tăng, tương lai Việt Nam sẽ phải tiếp tục nhập khẩu than với khối lượng lớn đến vài chục triệu tấn để cung ứng cho thị trường trong nước. Trong khi đó, than nhập khẩu bị tác động bởi nhiều yếu tố: sự biến động của tình hình chính trị thế giới, xu thế phát triển năng lượng trên thế giới, biến đổi khí hậu, vấn đề đảm bảo an toàn môi trường sinh thái.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong Quy hoạch điện VIII, EVN tiếp tục được giao giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, tỉ lệ các nguồn điện thuộc sở hữu của EVN và các đơn vị thuộc EVN (bao gồm các CTCP GENCO 2, 3) chỉ chiếm khoảng 38%, trong đó EVN quản lý trực tiếp chỉ khoảng 15% nguồn điện và tỉ lệ này sẽ tiếp tục giảm nhanh khi tỉ trong năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian tới. Do đó thách thức lớn nhất đối với việc thực hiện quy hoạch điện VIII đó là đảm bảo cân đối cung-cầu điện.
Thách thức về thể chế
Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, đất nước còn hạn chế nhiều về nguồn lực, về vốn do đó, thực hiện “xanh hóa” ngành năng lượng vẫn còn nhiều thách thức. Trong quá trình “thoát cũ, xây mới”, làm thế nào để vẫn đảm bảo được an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển kinh tế và chữ “xanh” vẫn phủ nhiều hơn.
“Thách thức đầu tiên là vấn đề thể chế. Liệu môi trường kinh doanh có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư hay không?”, TS. Võ Trí Thành nêu vấn đề.
Theo tính toán từ Ngân hàng thế giới (WB), để xanh hóa thì lộ trình đến 2040 Việt Nam cần 368 tỷ USD. Như vậy, TS. Võ Trí Thành cho rằng dù có sử dụng hết khả năng hỗ trợ của quốc tế thì khối đầu tư của tư nhân cũng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Thứ hai là thể chế thực thi. Thứ ba là vấn đề lựa chọn công nghệ.
Một điều quan trọng nữa là thể chế thực thi, nhiều chuyên gia cho rằng với quy trình làm dự án, thực thi quy hoạch truyền thống của nước ta thì quy hoạch điện VIII nếu không nói là không thể thì vô cùng khó để thực hiện. Nếu 3 quy hoạch năng lượng chờ đầy đủ kế hoạch hành động thì có lẽ phải đến 2024, vậy chỉ còn 6 năm nữa để thực thi.
Về giá điện, TS. Võ Trí Thành phân tích, giá điện tại Việt Nam cần tuân thủ 3 nguyên tắc: Không nên trợ cấp và trợ cấp quá mức đối với lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên sơ cấp truyền thống (than đá, dầu khí) mà cần dành nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng sang xanh, sạch.
Nguyên tắc thứ hai là minh bạch các chi phí một cách rõ ràng. Nguyên tắc này rất quan trọng bởi người dân sẽ chấp nhận giá điện đắt hơn do chi phí sản xuất năng lượng sạch cao hơn nhưng điều kiện là phải minh bạch và phản ảnh đúng chi phí thực sự.
Cuối cùng, giá điện cần phải có sự hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp cho tầng lớp yếu thế trong xã hội như các hộ nghèo, diện chính sách, hoàn cảnh khó khăn trong tiếp cận năng lượng.
Cần sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị
Theo các chuyên gia, để Việt Nam thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì ngành năng lượng là một trong những ngành quyết định. Chiến lược tăng trưởng xanh đòi hỏi sự đóng góp của rất nhiều lĩnh vực như tiêu dùng xanh, sản xuất xanh…. và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, để thực hiện được cam kết tại COP26, cần sự hỗ trợ quốc tế, sự vào cuộc của khu vực tư nhân, không chỉ trong nước mà các nhà đầu tư trên thế giới vào các lĩnh vực năng lượng mới.
Về việc đảm bảo tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch, TS. Võ Trí Thành cho rằng: Nếu không đảm bảo tính đồng bộ liên thông giữa các quy hoạch với nhau thì lúc đó quy hoạch chỉ là “quy hoạch chết”. Quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch chung của đất nước theo cùng một định hướng. Có thể có những ngành phát triển chậm hơn nhưng lại có hiệu quả cao hơn, ngược lại, có những ngành phải phát triển nhanh hơn để tạo đột phá, giúp cho sự phát triển của các ngành khác cũng như của một số địa phương.
Vụ Dầu khí và than cũng nêu giải pháp, cần tổ chức thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án năng lượng, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình năng lượng theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất để thực hiện các dự án năng lượng theo Quy hoạch; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án năng lượng theo quy định.
TS. Võ Trí Thành cho biết thêm, cần có cái nhìn tổng thể để thực hiện mục tiêu COP26, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam rất tổng thể (tăng trưởng xanh, đầu tư xanh, thể chế xanh, sản xuất xanh). Trong sản xuất xanh hỗ trợ của Đan Mạch cùng rất nhiều tổ chức EU giúp chúng ta nghiên cứu, tập chung vào 4 lĩnh vực năng lượng là then chốt cộng với xây dựng, giao thông nông nghiệp và một số lĩnh vực công nghiệp
Điều quan trọng, xanh và sạch không chỉ có gió và mặt trời mà còn rất nhiều (thủy triều địa nhiệt, địa từ…). Bên cạnh đó, xanh và sạch còn có cái hay là tiếp cận công nghệ, công nghệ là đầu vào (là mặt trời là gió). Chẳng hạn như ở Nhật Bản, công nghệ vẫn là than nhưng họ xử lý đầu ra như là lưu trữ carbon, tái chế carbon, sử dụng carbon,…
Ý kiến ()