Mục tiêu xa hơn cho phim tài liệu Việt Nam
Đại diện các nước tham gia Liên hoan phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam lần thứ 9. |
Phim tài liệu của các quốc gia Châu Âu thể hiện nhiều cách làm mới. “Ingmar Bergman trong con mắt biên đạo múa” là tác phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đạo diễn người Thụy Điển Ingmar Bergman. Đạo diễn Fredrik Stattin đã khắc họa chân dung nhân vật này bằng 4 màn múa ballet ấn tượng của các vũ công Nhà hát Ballet Hoàng gia Thụy Điển. Còn khi muốn kể về câu chuyện đã diễn ra từ nhiều năm trước, đạo diễn Alex Guimerà và Juan Pajares của Tây Ban Nha trong “Một ngày tôi thấy 10.000 con voi” đã lồng ghép thể loại phim tài liệu và phim hoạt hình…
Israel lần đầu tiên tham dự liên hoan với bộ phim “Princess Shaw ra mắt”. Ngoài truyền cảm hứng về giấc mơ nghệ thuật thông qua hình ảnh cô bé Lọ Lem thời hiện đại Samantha Mongtgomery, phim còn mở ra hướng hợp tác xuyên biên giới bằng internet… Có thể do chủ ý mà một số nước Châu Âu chọn mang đến liên hoan các phim họ làm về Việt Nam như “Bố Hải” (Czech), “Mái ấm Xa mẹ” (Pháp), tạo ra lăng kính thú vị cho người xem soi chiếu hiện thực cuộc sống quanh mình.
Phim Việt Nam được chọn đa phần của Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương. Đài Truyền hình Việt Nam, Điện ảnh Quân đội và đơn vị làm phim độc lập Khánh An film góp một số phim. Các phim có sự phong phú về đề tài, cách làm hiện đại. Bên cạnh loạt phim về danh nhân như “Giáo sư Tôn Thất Tùng, người thầy tôn kính”, “Lê Bá Đảng – từ Bích La đến Paris”, công chúng được tìm hiểu những câu chuyện di sản thú vị trong “Bí mật từ những pho tượng Phật”, “Tâm tình của gốm”…
Chặng đường mới
Trong khi hầu hết phim tài liệu Châu Âu đã hoặc đang được chiếu rạp thì danh sách phim Việt Nam vẫn chưa xuất hiện tại phòng vé. Một số phim chỉ ra rạp trong các buổi chiếu ra mắt. Điều cản trở phim của ta ra rạp có lẽ là vấn đề dung lượng. Chỉ nhìn trong liên hoan này thì thấy, phim của các đại diện Châu Âu thường dài 90-120 phút, còn phim của ta vẫn theo lối cũ – dưới 30 phút; phim “Cuộc di cư của bầy cừu” dài nhất cũng chỉ 63 phút, “Bí mật từ những pho tượng Phật” dài 48 phút.
Thực tế nói trên diễn ra trong bối cảnh nhu cầu xem phim tài liệu của khán giả Việt Nam không kém phim truyện. Những thước phim phản ánh “người thật, việc thật” bao giờ cũng có sức thuyết phục và tạo sự rung động mạnh mẽ cho người xem. NSND Nguyễn Như Vũ, quyền Tổng Giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương ghi nhận: Liên hoan phim tài liệu Châu Âu – Việt Nam đã trở thành điểm hẹn cho những người yêu điện ảnh hiện thực nước nhà. Lượng khán giả đến mỗi mùa một đông, ở nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần.
Ngoài mục đích chính là đem đến cho khán giả những hình ảnh, câu chuyện chân thực, nhiều màu sắc về xã hội chúng ta đang sống, liên hoan còn là dịp để các nhà làm phim nước nhà học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với giới làm phim tài liệu quốc tế. Ban Tổ chức bố trí chiếu kèm một phim Việt Nam và một phim của Châu Âu trong mỗi buổi. Điều này tạo ra sự so sánh trong khán giả và người trong giới sau mỗi buổi chiếu, qua đó tạo động lực nâng cao tay nghề, tăng tính sáng tạo cho tác phẩm.
Như nhận định khá lạc quan của NSND Lương Đức: “Phim tài liệu Việt Nam đang thể hiện sự chuyển biến về tư duy sáng tạo, đặc biệt là lớp đạo diễn trẻ. Họ có nhu cầu bứt phá, khát khao đổi mới cách làm phim theo xu hướng hiện đại. Tình trạng đa ngôn, áp đặt, tác giả nói thay nhân vật đã thưa dần. Đó là tín hiệu cho chặng đường mới của phim tài liệu Việt Nam”.
Theo NSND Nguyễn Như Vũ, càng có cơ hội giao lưu với nền điện ảnh tiên tiến thì các nhà làm phim Việt Nam càng tiến bộ. Nhưng ông cũng cảnh báo việc học tập khác với việc áp dụng. Làm phim như thế nào để phù hợp với khán giả nước nhà và điều kiện của Việt Nam, đó là điều mà các nhà làm phim cần cân nhắc.
Là đạo diễn phim “Chuyện ngày hôm qua”, đạo diễn Đặng Linh nhận định, ngoài chất lượng, còn nhiều yếu tố quyết định thành công của một bộ phim tài liệu. Đạo diễn trẻ thú thật là ê kíp của mình đã khá lúng túng trong việc phát hành phim, tính toán thời điểm truyền thông. Đây cũng là vấn đề chung của phim tài liệu Việt Nam khi số lượng chiếu rạp quá lép vế so với phim truyện.
Có lẽ các nhà làm phim tài liệu Việt Nam cần nghĩ đến mục tiêu xa hơn để có cách đầu tư thích đáng, mà trước mắt là sản xuất phim hướng đến việc ra rạp, đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Ý kiến ()