Mục tiêu trong tầm với nếu có giải pháp rõ ràng
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chiến lược) với những mục tiêu rõ ràng cho thể thao thành tích cao. Thực tế, mục tiêu đặt ra hoàn toàn phù hợp với tiềm lực thể thao Việt Nam. Quan trọng vẫn là cách thực hiện. Mà điều này lại không dễ chút nào.
Mục tiêu trong tầm với
Trong Chiến lược, đến năm 2030, mục tiêu cho thể thao thành tích cao (không tính bóng đá) lần lượt là duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và trong nhóm 20 đoàn dẫn đầu tại các kỳ ASIAD, trong đó đoạt từ 5 đến 7 HCV tại các kỳ ASIAD; có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic. Định hướng đến năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 2 đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại các kỳ ASIAD, trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic.
Rõ ràng, khi đặt ra các mục tiêu đến năm 2030, những người có trách nhiệm đều tính toán kỹ lưỡng. Đó là điều đã được thể hiện rõ ở các cuộc làm việc trước đây giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Cục TDTT. Như mục tiêu trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games (thực tế là từ nay đến năm 2030 còn 3 kỳ SEA Games vào các năm 2025, 2027, 2029) cũng đã được kiểm nghiệm qua thực tế. Từ năm 2003 đến nay, chưa bao giờ thể thao Việt Nam rời khỏi nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại SEA Games, thậm chí còn có 3 lần xếp Nhất toàn đoàn (năm 2003, 2022, 2023). Trong đó, lần vô địch toàn đoàn ở kỳ SEA Games 32 năm 2023 cũng là lần đầu tiên thể thao Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương của một kỳ SEA Games tổ chức ngoài Việt Nam. Dù chất lượng của những lần xếp Nhất toàn đoàn hay những vị trí khác trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu ở mỗi kỳ SEA Games vẫn còn có những bàn cãi nhất định nhưng rõ ràng, đây là mục tiêu khả thi với thể thao Việt Nam.
Trong khi đó, mục tiêu giành 5 đến 7 HCV ở các kỳ ASIAD (từ nay đến năm 2030 còn 2 kỳ ASIAD năm 2026 và 2030) cũng được xem là phù hợp với thực lực của thể thao Việt Nam. Ở 2 kỳ ASIAD gần đây nhất, các VĐV Việt Nam giành 7 HCV (ASIAD năm 2018: 4 HCV, ASIAD năm 2023: 3 HCV). Với những gì đã làm được trong quá khứ và thực lực hiện tại, các nhà quản lý có cơ sở để đặt ra mục tiêu trên.
Chỉ riêng mục tiêu ở Olympic trong giai đoạn đến năm 2030 (thực tế chỉ còn có Olympic năm 2028) được xem là khó với thể thao Việt Nam khi thành tích không thực sự ổn định. Như năm 2016, đoàn từng giành 1 HCV, 1 HCB để xếp hạng 48 toàn đoàn nhưng ở cả 2 kỳ Olympic gần đây, các VĐV Việt Nam đều trắng tay. Cũng vì thế, mục tiêu dành cho thể thao Việt Nam ở Olympic thực sự khiêm tốn, chỉ ở mức tối thiểu là giành huy chương. Đây cũng được xem là mục tiêu vừa sức với thể thao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như vài ba năm tới.
Và theo lộ trình, khi thể thao Việt Nam hội tụ đủ nguồn lực thì mới hướng đến những mục tiêu cao hơn, khó hơn trong định hướng đến năm 2045. Lúc đó, chỉ riêng mục tiêu tại Olympic cũng thực sự khó là đứng trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu. Và để đạt mục tiêu này, thể thao Việt Nam phải giành HCV. Nếu không, khả năng cao là “văng” khỏi nhóm 50 đoàn dẫn đầu. Gần đây nhất, ở Olympic 2024, đoàn xếp thứ 50 là Bồ Đào Nha cũng đã giành 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Còn xa hơn, phải đến khi giành 1 HCV, 1 HCB, thể thao Việt Nam mới xếp hạng 48 ở Olympic năm 2016, cũng là thứ hạng toàn đoàn cao nhất của đoàn Việt Nam tại một kỳ Olympic. Hành trình để duy trì vị trí ổn định trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu, đồng nghĩa với việc giành tối thiểu 1 HCV ở Olympic chắc chắn sẽ không dễ dàng.
Có giải pháp nhưng vẫn chờ hiệu quả
Ngay trong Chiến lược, Chính phủ cũng đã chỉ ra giải pháp thực hiện trong đó, phải khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng VĐV, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của nước ta và bám sát xu thế của thế giới; nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng VĐV có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic.
Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai cụ thể việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; chủ trì xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn tới, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025...
Thực tế, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD trong giai đoạn tới để thực hiện các mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 cũng không quá phức tạp. Quan trọng vẫn là cách thực hiện, định hướng cho Cục TDTT cũng như các đơn vị liên quan. Lúc này, người ta vẫn hy vọng vào sự đột phá về đầu tư cho VĐV trọng điểm, nội dung trọng điểm, môn trọng điểm phục vụ cho mục tiêu Olympic và ASIAD cũng như việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tập luyện, phục hồi sau tập luyện, chế độ dinh dưỡng cho VĐV khi tập trung đội tuyển quốc gia. Bởi như hiện tại, VĐV luôn thiếu đội ngũ bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu, bác sĩ tâm lý, bác sĩ dinh dưỡng chuyên biệt dẫn đến không thể phát huy hết năng lực, thường xuyên chấn thương, sa sút tâm lý ở những thời khắc quyết định trong khi thi đấu. Chính Chiến lược cũng chỉ ra điều này, cho thấy những nhà quản lý cũng nhận thức được vấn đề. Ở đây, quan trọng là cách thực hiện giải pháp khắc phục thay vì chỉ nêu ra rồi thôi...
Không kể, cơ chế huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho VĐV trọng điểm cũng cần được chăm chút tốt hơn hiện nay... Trong Chiến lược cũng đề cập đến việc này khi cho rằng, cần khuyến khích, tạo điều kiện cho Hiệp hội thể thao quốc gia, các doanh nghiệp tham gia xây dựng, vận hành các cơ sở đào tạo VĐV; bảo trợ, tài trợ cho các đội tuyển thể thao, VĐV tài năng...
Rõ ràng, mục tiêu trong Chiến lược không quá tầm với thực lực của thể thao Việt Nam đi kèm những giải pháp rõ ràng. Quan trọng hơn cả vẫn là cách thức thực hiện, bắt đầu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục TDTT rồi đến các địa phương, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia. Thành bại của cả một Chiến lược cũng từ đây mà ra.
Vẫn còn quá ít VĐV trọng điểm cho mục tiêu Olympic Cho đến hiện tại, theo tính toán của các chuyên gia, số VĐV Việt Nam có khả năng giành huy chương tại Olympic 2028 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ngay từ lúc này đã phải thực hiện những giải pháp đầu tư thay vì đặt ra giải pháp cho những VĐV này. Chỉ có như vậy, nhóm này mới có thể giành vé trước khi nghĩ tới việc giành huy chương ở Olympic tới. (Minh Khuê) |
Ý kiến ()