Mục tiêu “Tầm nhìn 2030” của Ai Cập
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP thực tế của Ai Cập trong tài khoá 2020-2021 lên 2,8%, tăng so mức 2% được dự báo hồi tháng 6-2020. Điều này cho thấy quốc gia Bắc Phi này có khả năng trở thành một trong những nước đạt tăng trưởng dương (khoảng 1,5%) vào năm 2021. Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế là động lực để đất nước “Kim tự tháp” tiếp tục tiến hành các chương trình cải cách và thực hiện mục tiêu “Tầm nhìn 2030”.
Ai Cập đã cập nhật “Tầm nhìn 2030” phù hợp sự phát triển kinh tế và xã hội, sau thành công trong việc thực hiện chương trình cải cách kinh tế và những thay đổi do đại dịch Covid-19 gây ra. “Tầm nhìn 2030” của Ai Cập đang được cập nhật dựa trên những cải cách kinh tế thành công được thực hiện từ năm 2016 và việc thay đổi các mục tiêu của Nhà nước Ai Cập. Phiên bản đầu tiên của “Tầm nhìn 2030” của Ai Cập được đưa ra vào năm 2015, và kể từ đó, nhiều sự kiện đã xảy ra. Để bắt kịp với tình hình mới, chương trình cập nhật đã được đưa ra để phù hợp những thay đổi ở trong nước và quốc tế. Trong những năm tới, Ai Cập trước hết phải đối phó vấn đề dân số và kiểm soát tỷ lệ gia tăng dân số. Nước này cũng đứng trước khó khăn như khan hiếm nước và các tác động của vấn đề này đối với kinh tế – xã hội. Ai Cập nhấn mạnh sự nhất quán với các mục tiêu phát triển của LHQ như xóa đói nghèo, giải quyết các vấn đề môi trường, năng lượng, giảm bất bình đẳng giới và các mục tiêu khác.
Chương trình cải cách kinh tế của Ai Cập vừa được IMF đánh giá lần đầu nhằm có cơ sở để cho phép nước này được tiếp cận khoản tín dụng trị giá 1,6 tỷ USD. Đây cũng là đợt giải ngân thứ hai của khoản vay từ định chế tài chính quốc tế. Theo IMF, trong giai đoạn tới, Ai Cập sẽ phục hồi trong tất cả các lĩnh vực, ngoại trừ du lịch, lĩnh vực vốn sẽ cần thêm nhiều thời gian để trở lại mức tăng trưởng như giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch. IMF đánh giá cao kế hoạch của nhà chức trách Ai Cập về việc triển khai hỗ trợ cho các nhóm và lĩnh vực dễ bị tổn thương trong làn sóng Covid-19 thứ hai. Tăng trưởng GDP trong tài khóa 2021-2022 của Ai Cập được cho là sẽ giúp duy trì đà giảm của nợ công cũng như bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, IMF cũng đưa ra dự báo về những rủi ro đáng kể có thể ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ai Cập, trong đó có làn sóng Covid-19 thứ hai, điều kiện tài chính kém thuận lợi hơn đối với các thị trường mới nổi và sự sụt giảm lượng kiều hối do tác động của đại dịch.
IMF chỉ ra rằng, để bảo đảm ngân sách nhà nước không bị thâm hụt, Ai Cập cần tiếp tục áp dụng việc điều chỉnh giá nhiên liệu phù hợp cơ chế chỉ số giá tiêu dùng được đưa ra vào năm 2019 bằng cách bảo đảm rằng giá bán lẻ điều chỉnh theo những thay đổi của tỷ giá hối đoái và giá dầu mỏ trên thị trường toàn cầu. Thực tế, Ai Cập đã thực hiện thành công cải cách chính sách trợ cấp nhiên liệu qua đó giảm gánh nặng tài chính của Nhà nước trong trợ cấp nhiên liệu từ 3,3% GDP trong tài khóa 2016-2017 xuống còn 0,4% GDP trong tài khóa 2019-2020. Trong khi đó, cải cách tài khóa là yếu tố quan trọng để tạo thêm “dư địa” cho việc chi tiêu ngân sách dành cho những lĩnh vực cần ưu tiên như y tế và giáo dục, bao gồm cả việc hoàn thành kịp thời chiến lược thu ngân sách trong trung hạn và đẩy nhanh tiến độ rà soát chi tiêu công theo kế hoạch để thúc đẩy bảo trợ xã hội.
Các chương trình cải cách tài chính, tiền tệ và năng lượng được thực hiện trong những năm gần đây, cùng với các biện pháp khẩn cấp do nhà chức trách Ai Cập áp dụng để ứng phó cuộc khủng hoảng dịch bệnh giúp quốc gia Bắc Phi vượt qua những khó khăn. Những tiến bộ bền vững về cải cách cơ cấu kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô là yếu tố cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng của Ai Cập, giúp quốc gia Bắc Phi tiến tới thực hiện mục tiêu “Tầm nhìn 2030”.
Ý kiến ()