Mục tiêu kép của kiến trúc Việt Nam thời hội nhập
Kiến trúc sư (KTS) cũng như các văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng vào tài năng, trách nhiệm sáng tạo. Điều đáng mừng là dù ứng dụng nhiều trường phái, công nghệ tiên tiến, kiến trúc Việt Nam vẫn luôn đặt phục vụ dân sinh lên hàng đầu, nỗ lực có những công trình tiêu biểu, đại diện cho văn hóa dân tộc.
Kiến trúc vị dân sinh
Nhìn vào kiến trúc qua từng giai đoạn, có thể ước đoán hiện trạng, trình độ phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Khi đất nước chưa đổi mới, công việc của KTS không nhiều, chỉ thiết kế các công trình công cộng theo kế hoạch Nhà nước giao. Bây giờ, KTS tên tuổi làm không hết việc bởi nhu cầu xây dựng, quy hoạch của toàn xã hội rất lớn, tài năng sáng tạo của các KTS được phát huy tối đa.
Song điều này cũng đặt ra câu hỏi trách nhiệm sáng tạo của KTS hiện nay như thế nào? Trên thực tế, vẫn có tình trạng KTS vì nhiều lý do mà thụ động nghe theo những chỉ đạo, yêu cầu phi lý của chủ đầu tư thay vì trao đổi, tư vấn, thậm chí kiên quyết từ chối không nhận thiết kế. Nhiều KTS chỉ quan tâm những dự án, công trình đồ sộ, bề thế để vừa có danh vừa có lợi. Rất may, những hiện tượng trên không phải là đa số. Chỉ cần nhìn vào các công trình đoạt giải thưởng kiến trúc uy tín trong và ngoài nước trong vòng 10 năm trở lại đây, có thể thấy vẫn có những công trình vị dân sinh độc đáo, đậm tính nhân văn, như: Nhà ở vượt lũ làm từ tre của KTS Đoàn Thanh Hà, thiết kế nhà ở diện tích khiêm tốn (dưới 20m2) của Khuôn Studio, nhà ở miền núi chống lại khí hậu khắc nghiệt của KTS Hà Đức Cương, các trường học và nhà cộng đồng với chi phí rẻ song thẩm mỹ ấn tượng của KTS Hoàng Thúc Hào…
Nhà Quốc hội – biểu tượng kiến trúc đương đại của Việt Nam. Ảnh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam cung cấp |
Truyền thống kiến trúc vị dân sinh gắn với tên tuổi các KTS nổi tiếng thế hệ đầu tiên. KTS Nguyễn Cao Luyện và KTS Hoàng Như Tiếp thiết kế “Nhà ánh sáng” được vẽ đơn giản, thiết kế hầu hết từ những vật liệu rẻ tiền, nhưng tạo nên nơi ăn chốn ở văn minh, hợp vệ sinh cho nhiều người dân nghèo ở khu lao động. Ngày nay, Hội KTS Việt Nam tiếp nối thông qua tổ chức các dự án, chương trình, cuộc thi… để người dân dù ở bất cứ đâu đều có thể tham khảo những mẫu nhà phù hợp. TS, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: “Hội KTS Việt Nam luôn thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của một hội chính trị-xã hội, nghề nghiệp, luôn lấy con người làm trung tâm. Giới KTS hiện nay đã quan tâm hơn đến thiết kế nhiều kiểu nhà ở phù hợp với từng vùng, miền, văn hóa và trên cơ sở mong muốn, nhu cầu của cộng đồng. Khi hàng trăm mẫu nhà hoàn thành sáng tác, giới thiệu đến từng địa phương, hy vọng sẽ được chính quyền định hướng áp dụng, người dân hồ hởi đón nhận”.
Có thể thấy, KTS Việt Nam luôn khắc ghi sâu sắc lời dạy của Bác Hồ trong bức thư ngày 1-4-1948: “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc… Chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.
Mong mỏi có thêm những công trình tiêu biểu
Trong những năm tháng chiến tranh, bao cấp khó khăn, thiếu thốn trăm bề, kiến trúc Việt Nam vẫn có thể tự hào đã đóng góp cho đất nước những công trình giá trị. Điển hình là Cung Thiếu nhi Hà Nội (hoàn thành năm 1976) do KTS Lê Văn Lân thiết kế được giới KTS quốc tế đánh giá cao, đến nay chưa lạc hậu về thẩm mỹ, trở thành biểu tượng của kiến trúc trước đổi mới.
Nhà cộng đồng Tả Phìn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế. Ảnh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam cung cấp |
Giai đoạn hiện nay, khi nước ta đang hội nhập sâu rộng, việc kiến tạo công trình kiến trúc tiêu biểu, đại diện cho văn hóa dân tộc là thách thức song cũng là thời cơ cho các KTS. May mắn là ý thức của toàn xã hội, cụ thể là chủ đầu tư về kiến trúc đã khác xưa. Cầu Vàng nổi tiếng ở Đà Nẵng hay gần đây là Trung tâm Gốm Bát Tràng (Hà Nội) là những ví dụ cho thấy sức hút rất lớn của những công trình kiến trúc, có tác động tích cực, tương hỗ với văn hóa, du lịch, môi trường cảnh quan… Nhiều người đã hiểu rằng, các công trình không chỉ mang lại lợi ích vật chất mà quan trọng nhất là tạo dựng thương hiệu-đôi khi có tiền cũng không mua được.
Công trình kiến trúc phải là một sản phẩm công nghiệp văn hóa như Chính phủ đã xác định. Cho nên, bên cạnh giá trị công năng, phù hợp với người sử dụng, yếu tố thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, chứa đựng giá trị văn hóa dân tộc càng phải được đề cao hơn trước. Nhà Quốc hội (hoàn thành năm 2014) được tôn vinh Giải thưởng Lớn duy nhất trong lịch sử 30 năm Giải thưởng Kiến trúc quốc gia có thể xem là một biểu tượng của kiến trúc đương đại. Vẻ ngoài công trình hiện đại song ẩn chứa biểu tượng văn hóa Việt Nam về triết lý âm-dương, trời-đất qua hình dáng vuông, tròn; vừa thể hiện sự uy quyền nhưng vẫn cảm giác gần gũi. Đó là chưa kể tòa nhà còn tiết kiệm năng lượng, hài hòa với không gian Khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Mặc dù KTS Việt Nam đã tham gia thiết kế những công trình kiến trúc hoành tráng nhưng chủ trì thiết kế vẫn là KTS người nước ngoài. Theo KTS Đặng Kim Khôi, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam: “Khoảng cách trình độ KTS ở trong và ngoài nước đã thu hẹp lại rất nhiều. Với thế hệ KTS trẻ được đào tạo bài bản, khả năng sáng tạo cao, việc thiết kế những công trình kiến trúc tiêu biểu không phải là bất khả thi. Song KTS Việt Nam vẫn dừng lại ở thiết kế công trình quy mô không quá lớn”.
Hy vọng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cơ hội được thể hiện năng lực sáng tạo của KTS Việt Nam sẽ đến nhiều hơn. Qua đó, khẳng định kiến trúc Việt Nam luôn phục vụ nhân dân, song hành với sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/muc-tieu-kep-cua-kien-truc-viet-nam-thoi-hoi-nhap-727351
Ý kiến ()