Mục tiêu dinh dưỡng cho trẻ em năm 2015: Còn nhiều việc phải làm
LSO-Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 25/5/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã đề ra Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, trong đó nêu mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 17% và đến năm 2020 còn dưới 14%; giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi xuống còn 28% và đến năm 2020 xuống dưới 25%.
LSO-Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 25/5/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đã đề ra Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, trong đó nêu mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân của trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 17% và đến năm 2020 còn dưới 14%; giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi xuống còn 28% và đến năm 2020 xuống dưới 25%.
Giáo viên Trường Mầm non thị trấn Cao Lộc chăm sóc bữa ăn cho trẻ |
Trong giai đoạn mà tỉnh ta đang huy động tối đa trẻ em từ 0 đến 5 tuổi đến trường để phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi thì ngành GD&ĐT có lợi thế để nâng cao sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em. Sau 2 năm nỗ lực, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã huy động được 42. 613 trẻ tới các trường MN; trong đó, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đạt 29,5% và trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi đạt 98,1% (riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,9%). Khắc phục nhiều khó khăn về đội ngũ và CSVC, ngành GD&ĐT đã tăng cường các lớp bán trú, lớp 2 buổi/ngày, trong đó, tỷ lệ trẻ được ăn bán trú tăng nhanh. Năm học 2012-2013, tổng số trẻ bán trú và 2 buổi ngày đã là 39.214 cháu, tăng 16,3% so với năm học 2011- 2012. Thực hiện các quy định của ngành về chế độ dinh dưỡng cho trẻ các độ tuổi, các nhà trường đã tăng cường đội ngũ cô nuôi có trình độ trong khai thác và chế biến khẩu phần ăn cho các cháu, đảm bảo vệ sinh ATTP, đảm bảo dinh dưỡng và ngon miệng. Phối hợp với các công ty sữa cung cấp khẩu phần sữa cho các cháu một cách ổn định theo chế độ. Đối với các trường mầm non nông thôn, song song với khai thác tốt thực phẩm tại chỗ, công tác tự chế biến thức ăn, đồ uống cho các cháu được quan tâm. Về công tác y tế, kiện toàn và phát huy năng lực của nhân viên y tế trường học trong kiểm soát dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và phòng chống các bệnh truyền nhiễm; phối hợp với các trạm y tế xã đảm bảo vệ sinh nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Những nỗ lực liên tục của ngành GD&ĐT đã mang lại kết quả tốt: Qua khảo sát cuối năm 2012, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân chỉ ở mức 8,7% đối với độ tuổi nhà trẻ và 9,3% đối với độ tuổi mẫu giáo (riêng trẻ 5 tuổi là 7,73%); tỷ lệ SDD thể thấp còi là 15,8% ở độ tuổi nhà trẻ và 11,43% ở độ tuổi mẫu giáo, riêng trẻ 5 tuổi là 7,9%). Cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương thừa nhận sự tác động của các trường MN trong việc giảm nhanh tỷ lệ trẻ SDD.
Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn tới 70,5% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 1,2% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo chưa tới trường MN. Số trẻ này sống với cha mẹ, ông bà tại các gia đình nhưng vẫn được các ngành, nhất là ngành y tế, quan tâm như bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc trẻ cho các bà mẹ, phổ biến quy trình dinh dưỡng từng độ tuổi để các gia đình có thể tự chăm sóc trẻ. Riêng năm 2012 đã tư vấn về biện pháp chống SDD cho 95% số bà mẹ có con dưới 2 tuổi; tổ chức 40 lớp tập huấn về phòng chống SDD trẻ em cho 1.600 cộng tác viên; tổ chức cho trẻ uống Vitamin A đạt 98% tổng số trẻ. Ngoài việc đảm bảo tiêm chủng mở rộng theo quy định, các trạm y tế còn thực hiện cân trẻ hàng tháng để theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ. Tuy vậy, sự thiếu kiến thức cũng như vật chất đã hạn chế nhiều đến công tác bảo vệ sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em khu vực nông thôn. Theo báo cáo của ngành y tế, năm 2012, tỷ lệ SDD thể cân nặng/ tuổi của trẻ em toàn tỉnh là 19,2%, tỷ lệ SDD chiều cao/ tuổi là 29,1%. So với mục tiêu đề ra cho năm 2015, trong 2 năm tới, chúng ta phải phấn đấu giảm 2,2% số trẻ SDD về cân nặng/ tuổi và 1,1% số trẻ SDD về chiều cao/ tuổi.
Căn cứ báo cáo của 2 ngành y tế và giáo dục, có thể thấy tỷ lệ SDD các thể ở trẻ không đi học là rất cao. Vì vậy, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ (nhất là trẻ dưới 3 tuổi) tới trường là giải pháp tốt nhất trong việc giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em. Trong khi chúng ta chưa thể nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ tới lớp và tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú thì việc tư vấn, hỗ trợ các gia đình trong việc chăm sóc trẻ là rất cần thiết. Trên thực tế, tỷ lệ trẻ SDD thường tỷ lệ thuận với tỷ lệ hộ nghèo. Vì vậy, triển khai có hiệu quả chiến lược giảm nghèo nhanh và bền vững có tác dụng thúc đẩy giảm tỷ lệ trẻ SDD một cách bền vững. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện được kế hoạch, mục tiêu đề ra cho năm 2015, tạo tiền đề vững chắc cho thực hiện mục tiêu đến năm 2020.
MINH HỒNG
Ý kiến ()