Mục tiêu cao nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ có chiến lược lâu dài xây dựng, phát triển lực lượng, nâng cao khả năng chiến đấu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đạt được mục tiêu cao nhất là giảm thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong các vụ cháy – đó là đề nghị của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (4/10/1961-4/10/2021), 20 năm Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4/10/2001-4/10/2021) và đón nhận các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước do Bộ Công an tổ chức vào sáng 30/9.
Tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm biểu dương, khen ngợi và chúc mừng những chiến công, thành tích của các thế hệ lãnh đạo, các tướng lĩnh, sỹ quan, cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đạt được trong suốt chặng đường 60 năm qua.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp tục không ngừng nỗ lực phấn đấu, thể hiện bản lĩnh, vai trò nòng cốt tham mưu về những chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, có chiến lược lâu dài xây dựng, phát triển lực lượng, nâng cao khả năng chiến đấu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thường xuyên tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Mỗi cán bộ, chiến sỹ cần nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, tính chất, tầm quan trọng của công tác này. Thống nhất nhận thức công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải đạt được mục tiêu cao nhất là giảm thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong các vụ cháy; đồng thời gắn hoạt động của lực lượng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước để đạt được các mục tiêu đề ra.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với phương pháp thiết thực, hiệu quả đến từng tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó là tăng cường các mặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại và thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng với lực lượng công an nhân dân, những tổ chức chữa cháy đầu tiên tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác lần lượt ra đời, như Sở chữa lửa Sài Gòn-Chợ Lớn, Đội cứu hỏa Hà Nội để làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu người, cứu tài sản trong các vụ cháy, nổ do các cuộc chiến tranh phá hoại của thực dân Pháp.\
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Cuối năm 1956, 11 đơn vị phòng hỏa, cứu hỏa của các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Quảng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên lần lượt được thành lập.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế ở miền Bắc, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Ngày 29/9/1961, Cục Phòng cháy, chữa cháy được thành lập. Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi căn bản trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, đồng thời mở ra một trang mới trong lịch sử.
Đến nay, ngày 4/10 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được kiện toàn, củng cố từ Trung ương đến địa phương, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy ngày càng được phát triển sâu rộng, với nhiều hình thức, huy động được đông đảo quần chúng tham gia.
Đến nay, đã xây dựng và kiện toàn trên 60.000 đội dân phòng, với trên 600.000 thành viên; thành lập trên 360.000 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở với gần 3 triệu thành viên; thành lập trên 400 đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành với gần 9.000 thành viên. Cả nước có trên 4.000 mô hình điển hình tiên tiến về phòng cháy, chữa cháy.
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng chủ công, nòng cốt trên mặt trận chống “giặc lửa” qua các thời kỳ.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, những năm gần đây, lực lượng đã phối hợp với các lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và quần chúng nhân dân tổ chức cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn thoát nạn an toàn cho hàng nghìn người trong các vụ cháy, sự cố, tai nạn; tổ chức dập tắt được hàng chục nghìn vụ cháy.
Việc khống chế, dập tắt kịp thời, không để cháy lớn đã góp phần bảo vệ khối lượng tài sản ước tính hàng trăm nghìn tỷ đồng.
“Trong quá trình làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Hình ảnh người chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xả thân, quên mình, không ngại nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân biểu dương ghi nhận,” Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Với những chiến công, thành tích xuất sắc đạt được qua các thời kỳ, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng các danh hiệu như 2 Huân chương Hồ Chí Minh, một Huân chương Độc lập hạng Nhất, 12 Huân chương Quân công các loại, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 4 Huân chương Bảo vệ Quốc gia hạng Ba, 63 Huân chương Chiến công các loại, 15 đơn vị được tặng thưởng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.
Mới đây nhất, ngày 19/7, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì./.
-
Quang cảnh lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()