Mức sinh giảm: Thách thức mới và những hệ lụy trong tương lai
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là khoảng 1,96 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,6 con/phụ nữ vào năm 1989 và là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc kiểm soát mức sinh và dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với một thách thức mới, đó là mức sinh giảm. Thực trạng này không chỉ tác động đến cấu trúc dân số mà còn dẫn đến những hệ lụy sâu rộng đối với kinh tế, xã hội và chính sách an sinh.
Ảnh hưởng của mức sinh giảm
Những năm gần đây, tỷ lệ sinh ở Việt Nam đã có xu hướng giảm rõ rệt. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là khoảng 1,96 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,6 con/phụ nữ vào năm 1989 và là mức thấp nhất từ trước đến nay.
Tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đang ở mức thấp nhất ở Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Mức sinh giảm đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức sinh thấp, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Các chuyên gia đánh giá với tỷ lệ sinh giảm, lực lượng lao động trẻ sẽ ngày càng thiếu hụt, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng người trong độ tuổi lao động cũng giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng của đất nước.
Việt Nam hiện đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng nếu không có biện pháp thích hợp, giai đoạn này sẽ nhanh chóng kết thúc, đất nước sẽ phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn lực lao động bị suy giảm, năng suất lao động thấp, áp lực lớn về chi phí an sinh xã hội, đặc biệt là chi phí chăm sóc y tế và hưu trí.
Sự giảm tỷ lệ sinh dẫn đến cơ cấu dân số thay đổi với tỷ lệ người già ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% dân số, trong khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) sẽ giảm. Sự thay đổi này đặt ra áp lực lớn về hệ thống chăm sóc y tế và bảo trợ xã hội, đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời, hiệu quả để đối phó.
Theo các chuyên gia, những thay đổi về nhận thức và lối sống, bao gồm sự gia tăng trong tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động và sự chuyển dịch từ gia đình nhiều con sang gia đình ít con, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ sinh. Theo thống kê hiện nay 70% phụ nữ tham gia trong lực lượng lao động. Con số này khá cao so với nhiều quốc gia trong khu vực. Nhiều gia đình trẻ ngày nay lựa chọn sinh ít con để tập trung vào sự nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chi phí nuôi dưỡng và giáo dục con cái ngày càng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn sinh ít con hoặc không sinh con. Đặc biệt ở các thành phố lớn, chi phí sinh hoạt, học hành và y tế tăng cao làm giảm khả năng kinh tế của các gia đình.
Không bị áp lực về kinh tế khi có chồng làm việc cho một tập đoàn lớn nhưng chị Trần Mai Hương (30 tuổi, quận Bình Thạnh) vẫn quyết định chỉ sinh một con.
Chị Hương cho hay hai vợ chồng đều bận rộn với công việc và các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, không có nhiều thời gian vào việc chăm sóc con cái.
"Nếu sinh con ra mà lại giao hết cho người giúp việc, tôi nghĩ không nên sinh tiếp nữa. Sinh con là phải có trách nhiệm đảm bảo cho con một cuộc sống đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần, tình cảm," chị Hương nêu quan điểm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Minh Thi, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới đánh giá mức sinh giảm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng trẻ em giảm, điều này ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai và khả năng duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, sự giảm tỷ lệ sinh cũng có thể dẫn đến mất cân bằng giới tính và các vấn đề xã hội khác.
Các chuyên gia đánh giá mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ sinh con nhưng vẫn chưa đủ để khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ. Các chính sách này cần được cải thiện để đảm bảo sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, từ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế đến hỗ trợ tài chính và giáo dục.
Bảo đảm mức sinh và lực lượng lao động cho tương lai
Chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp, chính sách vĩ mô để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục cho trẻ em để đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng môi trường sống và học tập tốt nhất. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn khuyến khích các gia đình sinh con.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030." Quyết định đã đưa ra mục tiêu cụ thể: tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế. Như vậy, đối với địa phương có mức sinh cao, cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng không có người sinh con thứ 3 trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường truyền thông, giáo dục về lợi ích của việc sinh con và nuôi dưỡng con cái. Các chương trình truyền thông cần tập trung vào việc thay đổi nhận thức của người dân về gia đình và vai trò của con cái trong cuộc sống.
Thạc sỹ Mai Trung Sơn (Cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng có đề xuất 4 biện pháp nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Dự thảo đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.
Bên cạnh đó, cần xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.
Cũng theo các chuyên gia, việc cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng rất quan trọng. Các chính sách cần tập trung vào việc hỗ trợ phụ nữ vừa có thể làm việc vừa có thể chăm sóc gia đình như cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em, thời gian làm việc linh hoạt và chế độ nghỉ thai sản hợp lý.
Bác sỹ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần dừng các chính sách kiểm soát sinh để chuyển hẳn sang chính sách khuyến khích sinh bằng cách thay đổi khẩu hiệu từ “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” thành “Mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình."
Việc khuyến khích nam giới tham gia nhiều hơn vào công việc gia đình và chăm sóc con cái cũng là một giải pháp quan trọng. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho phụ nữ mà còn tạo ra môi trường gia đình bình đẳng và hạnh phúc hơn.
Các chuyên gia đánh giá thách thức mức sinh giảm ở Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số mà còn dẫn đến những hệ lụy sâu rộng đối với kinh tế, xã hội và chính sách an sinh. Việc nhận diện và đề ra các biện pháp phù hợp là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để triển khai các giải pháp hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc duy trì mức sinh hợp lý. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể vượt qua thách thức này và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới./.
Ý kiến ()