Mức sản xuất gia cầm của Việt Nam đạt 50% so với mức trung bình của thế giới
Theo số liệu thống kê, lượng thịt tiêu thụ bình quân cho một người ở Việt Nam tăng từ 5,3 kg (chiếm 12,6% tổng lượng thịt tiêu thụ) năm 2008 lên 8,3 kg (chiếm 17,1% tổng lượng thịt tiêu thụ) năm 2012, tương ứng lượng trứng tăng từ 58 quả năm 2008 lên 83 quả năm 2012. Tuy vậy, mức sản xuất gia cầm của Việt Nam còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 50% so với mức trung bình thế giới.
– Theo số liệu thống kê, lượng thịt tiêu thụ bình quân cho một người ở Việt Nam tăng từ 5,3 kg (chiếm 12,6% tổng lượng thịt tiêu thụ) năm 2008 lên 8,3 kg (chiếm 17,1% tổng lượng thịt tiêu thụ) năm 2012, tương ứng lượng trứng tăng từ 58 quả năm 2008 lên 83 quả năm 2012. Tuy vậy, mức sản xuất gia cầm của Việt Nam còn rất thấp, chỉ đạt khoảng 50% so với mức trung bình thế giới.
Ở trong nước, thịt gia cầm cũng mới chiếm chưa tới 20% trong tổng sản lượng thịt tiêu thụ các loại (không tính thủy sản). Ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết như trên tại Hội thảo “Vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gia cầm” do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hội đồng xuất khẩu gia cầm và trứng Hoa Kỳ, Hội đồng xuất khẩu đỗ tương Hoa Kỳ, Chương trình phát triển quốc tế (UIPDP) tổ chức ngày 15-11, tại Hà Nội.
Nêu vấn đề tại hội thảo, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết: Chăn nuôi gia cầm là một nghề truyền thống, gắn bó với nông dân Việt Nam. Những năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, thị trường thiếu ổn định, khủng hoảng kinh tế…, nhưng ngành chăn nuôi vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 5-6%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Trong đó, riêng chăn nuôi gia cầm luôn đạt mức tăng trưởng cao nhất, bình quân giai đoạn 2008-2012, quy mô đầu con tăng khoảng 5,6%/năm; sản lượng thịt tăng 12,9%/năm và sản lượng trứng tăng 10,1%/năm. Số liệu tăng trưởng trên minh chứng rằng: các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm về giống, thức ăn, thú y và các quy trình quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đã và đang áp dụng ngày càng nhiều trong thực tế sản xuất.
Hội thảo là dịp để các nhà sản xuất, chế biến gia cầm của Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ thông tin tình hình cung và cầu toàn cầu về sản phẩm gia cầm, kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Hoa Kỳ, cùng thống nhất nhận thức về lý thuyết và thực tiễn trong công tác quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm gia cầm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh bền vững của ngành gia cầm Việt Nam.
Theo GS.TS Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, việc kiểm soát sản phẩm gia cầm có ba ý nghĩa chính, đó là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ người tiêu dùng không bị nhiễm bệnh từ gia cầm lây sang người và ngăn chặn lây lan bệnh truyền nhiễm trong chăn nuôi. Hiện có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gia cầm như các mối nguy sinh học, chất độc hóa học, yếu tố vật lý. Vì thế, để bảo đảm được sản phẩm chăn nuôi gia cầm an toàn thì phải kiểm soát được toàn bộ chuỗi khép kín từ trang trại tới bàn ăn. Bao gồm, kiểm soát nguồn thức ăn, nước uống, dịch bệnh; kiểm soát quá trình trước và sau giết mổ, quy trình vận chuyển và bán lẻ.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()