Mức giảm trừ gia cảnh nộp thuế phải nâng lên ít nhất 18 triệu đồng/tháng
Theo nhiều chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân, cần nâng lên ít nhất 18 triệu đồng/tháng.
Kiến nghị với Bộ Tài chính về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh khi góp ý về xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế lên 18 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 8 triệu đồng/tháng.
Nguyên nhân là theo Luật Thuế TNCN năm 2012, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, còn với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, được áp dụng từ tháng 7/2013. Tại thời điểm đó, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng. Đến nay, mức lương cơ sở đã tăng lên 2,03 lần, tương đương 2,34 triệu đồng, nên cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở.
Bộ Quốc phòng cũng đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng. Bởi mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cuối năm 2019 chỉ 1,49 triệu đồng, đến cuối năm 2024 đã tăng lên 2,34 triệu đồng, tương ứng tăng 57,05%.
Đồng tình với những đề xuất này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy - CEO khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi nhấn mạnh, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng (người nộp thuế) và 4,4 triệu đồng/tháng (người phụ thuộc) đến nay đã quá lỗi thời. “Mức này được áp dụng trong nhiều năm, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dần đều qua các năm, lương cơ sở cũng đã được điều chỉnh tăng vài lần. Đó là điều là bất hợp lý, khiến người nộp thuế TNCN rất khó khăn trong việc tích lũy thu nhập sau khi nộp thuế, chi tiêu thiết yếu”, ông nói.
![Theo nhiều chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân, cần nâng lên ít nhất 18 triệu đồng/tháng. (Ảnh minh họa: VnEconomy)](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/202502/medium/531607_2b08b02cd982c3abe4ea9da5eb8895d3.jpg)
Đồng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch phân tích, giảm trừ gia cảnh được hiểu là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công. Mức giảm trừ gia cảnh cần dựa trên các yếu tố kinh tế và chính sách thuế tại từng thời điểm khác nhau. Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay, cần thay đổi gấp.
“Hiện mọi khoản chi phí thời gian qua đều tăng liên tục. Mức giảm trừ 11 triệu đồng/tháng là quá thấp, gây khó khăn cho người nộp thuế. Tương tự, mức 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc/tháng cũng không thể so với chi phí nuôi một người phụ thuộc trong cuộc sống hiện nay. Dù trong quá khứ, việc áp dụng mức này là phù hợp nhưng đó là do mức lương cơ sở chưa cao. Bây giờ khi lương cơ sở đã khác, giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà người dân phải chi trong trong cuộc sống hàng ngày cũng khác thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải khác”, ông nói.
Theo ông Tuấn Anh, mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 8 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Cần phân chia khu vực, gỡ bỏ "nút thắt" CPI
Ngoài đề xuất phải nâng mức giảm trừ gia cảnh, ông Tuấn Anh còn cho là mức này cần được tính toán kỹ lưỡng dựa trên mặt bằng chi phí sinh hoạt, mức sống, thu nhập bình quân, sự chênh lệch kinh tế từng vùng. Vì chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Nếu áp dụng cùng một mức giảm trừ gia cảnh trên toàn quốc, người dân ở các đô thị có mức sống cao sẽ chịu áp lực tài chính lớn hơn. Vì vậy, có thể chia theo các nhóm khu vực để quy định mức giảm trừ gia cảnh khác nhau, tương tự cách xác định lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, việc quy định mức giảm trừ gia cảnh chỉ được thay đổi khi nào chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20% thực sự để lại nhiều bất cập, vì trên thực tế CPI tăng 10-15% cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến mức sống của người dân, trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh vẫn không được thay đổi. Việc chờ CPI tăng 20% mới điều chỉnh có thể khiến người nộp thuế chịu áp lực tài chính lớn trong thời gian dài và gây nên tình trạng lạc hậu với thời cuộc như hiện nay.
Hơn nữa chỉ số CPI được tính bao gồm hơn 700 hàng hóa, dịch vụ, trong khi người nộp thuế chỉ chịu tác động thường xuyên ở một số nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, điện, nước. Ngoài ra, với sự điều hành của Chính phủ gần đây thì chỉ số CPI sẽ biến động ở mức thấp nên càng không phù hợp để tính mức giảm trừ gia cảnh.
Nếu nâng mức giảm trừ từ 11 triệu đồng/người/tháng lên 18 triệu đồng thì có thể một vài năm sau đó sẽ tiếp tục diễn ra tình trạng mức giảm trừ gia cảnh lại trở nên lạc hậu, đi theo lối cũ. Vì vậy, nên áp dụng cơ chế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh định kỳ 2-3 năm/lần hoặc khi CPI tăng từ 10-15% để mức này theo kịp thực tế.
Từ năm 2009, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế được áp dụng là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm), với người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Đến năm 2013, mức giảm trừ với 2 đối tượng nêu trên tăng lần lượt là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời, bổ sung quy định nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Năm 2020, thêm một lần mức giảm trừ gia cảnh được nâng, lần lượt là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) và 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng cho đến nay. Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo, đánh giá với mức giảm trừ hiện hành, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hoặc 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân. |
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()