Chủ nhật, 17/11/2024 21:28 [(GMT +7)]
Mùa xuân với những ước mơ xanh
Thứ 6, 20/01/2012 | 09:45:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Đi trên 200 mét đường bê tông rộng rãi từ sân trường uốn qua sườn đồi để xuống quốc lộ 4B, các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Lợi Bác huyện Lộc Bình ngỡ như mình đang đi giữa thênh thang của mùa xuân những tấm lòng nhân ái.
Giờ tự học trong nhà nội trú
Cách đây mấy tháng, chuẩn bị cho việc thành lập Trường phổ thông dân tộc bán trú xã Lợi Bác và chào đón năm học mới, địa phương đã dành một khoản kinh phí đáng kể san đồi, mở đường, đón suất đầu tư của ngành GD xây dựng ngôi trường khang trang quy mô 2 tầng với 6 phòng học; 4 phòng công vụ cho giáo viên. Với tấm lòng thiết tha với sự nghiệp giáo dục vùng cao, Công an tỉnh đã tặng nhà trường khu nội trú học sinh với 4 phòng ở, trang bị đầy đủ giường phản… trị giá trên 300 triệu đồng để đón các em đến học. Giáp tết Nguyên đán, Công an huyện Lộc Bình, đoàn viên thanh niên các xã, thị trấn đã cùng nhau khiêng sỏi đá, trộn bê tông rải con đường lên trường.
Từ thôn Khuổi Tà cách trung tâm xã 18km, cùng đứa em trai ra nhập trường, đứng dưới quốc lộ 4B nhìn lên, Triệu Thị Múi không khỏi ngỡ ngàng: ngôi trường như một đóa hoa rừng đỏ thắm nổi bật trên cánh rừng bạch đàn xanh mỡ màng. Là chị cả của gia đình có 4 chị em, do không thể đi ra xã để theo học cấp THCS, nên hết lớp 5 em đành bỏ dở để ở nhà trông em và phụ giúp bố mẹ. Thương con gái ở nhà mà vẫn nhớ cái chữ, nhớ bạn bè cùng trang lứa; vả lại em nó cũng đã hết lớp 5 rồi, bận làm ăn đấy, nhưng nỗi lo con thất học cứ canh cánh trong lòng, nghe tin xã mở trường phổ thông dân tộc bán trú, bố mẹ Múi đồng ý cho 2 con ra xã học. Buổi đầu nhập trường, thấy cái gì cũng lạ, ngôi nhà to, cửa kính trong suốt, bàn ghế đẹp, nhẵn bóng, khác hẳn cái lớp ghép ở phân trường tiểu học, Múi thích lắm. Tuổi thơ, sự bỡ ngỡ lạ lẫm nhanh qua, nhường chỗ cho sự vô tư và hòa nhập. Học tập sinh hoạt có thầy cô giáo hướng dẫn, chuyện ăn uống tự lo, như các bạn khác, 2 chị em lấy 3 viên gạch kê chụm đầu thành cái bếp, gạo về lấy mỗi tuần và được cho thêm 20 ngàn đồng ra chợ mỏ mua rau; nước lấy dưới khe, củi kiếm trên đồi…
Khác với 2 chị em Múi, Bế Thị Huyên học sinh lớp 9, nhà ở thôn Già Nàng quyết tâm theo học với khát vọng được vào trường đại học hoặc cao đẳng có cái chữ để thay đổi cuộc sống. Nhà cách xa trường 1 giờ đi bộ, em ra ăn ở sinh hoạt tại trường để chuyên tâm vào chuyện học hành mong đạt kết quả cao nhất để vào được cấp 3 trường mỏ.
Hai học sinh trong gần 100 học sinh bán trú, mỗi em một hoàn cảnh, nhưng họ có cái chung nhất là tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước theo tiêu chuẩn của học sinh vùng ĐBKK, vùng dân tộc để học lên. Thầy giáo Chu Quang Trung, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, tuy điều kiện bán trú còn thiếu thốn trăm bề, nhưng đối với các em, đây chính là điều kiện rất tốt để các em theo học. Tuy vậy, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và ngành GD luôn tìm mọi cách để hỗ trợ các cháu. Ngoài ngôi nhà bán trú, những chiếc giường tầng do Công an hỗ trợ, ngành GD Lộc Bình còn trích từ “Hũ gạo phổ cập” giúp cho mỗi học sinh 5kg gạo/ tháng; mua cho 2 chiếc xoong to để tiến tới thuê phục vụ nấu ăn tập thể. Nhà trường quan tâm chăm lo các em trong điều kiện có thể, từ những mét vuông sân chơi đến cái nhà tắm… nhắc nhở các em sống chan hòa thân ái, khuyến khích tính tự lập của mỗi học sinh, đồng thời bồi dưỡng cho các em kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.
Có thể nói, với sự ra đời của trường phổ thông dân tộc bán trú, năm 2011 là năm mà xã vùng cao Lợi Bác có bước phát triển đột phá về công tác giáo dục đào tạo. Bí thư Đảng ủy xã cho chúng tôi biết, với nhiều thôn bản vùng xa như thôn Nà Xỏm cách trung tâm xã đến 20km, thôn Khuổi Tà giáp với xã Thái Bình xa trung tâm 18 km… nếu không có chế độ của Nhà nước, nếu huyện Lộc Bình không thành lập loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú, thì học sinh các thôn bản xa bị “tước” mất cơ hội học lên. Vì các cháu cũng chỉ học hết cấp tiểu học rồi ở nhà, và như vậy, việc duy trì phổ cập THCS sẽ rất khó khăn, tiến độ giảm nghèo sẽ chậm lại.
Đặt can nước 10 lít giữa đoạn dốc đứng, gạt những giọt mồ hôi lăn trên gò má ửng hồng vì lạnh, một học sinh lớp 6 nhìn xuống dưới khe để biết đoạn dốc mình đã qua và ngước lên nhìn ngôi trường để ước lượng đoạn đường mình phải đi. Cháu nói rằng, ước gì có nước máy chảy đầy bể để không phải xuống khe hứng nước. Đứng giữa ngôi nhà bếp mà trong đó có đến 24 cái bếp nhỏ bằng các viên gạch kê tạm với lủng củng nồi to nồi nhỏ, các cháu đồng thanh nói rằng, giá mà có người phục vụ nấu ăn tập thể cho chúng cháu thì tốt biết bao nhiêu! Rồi còn bao ước mơ giản dị, rất đời thường mà các em chưa nói ra như chiếc ti vi để giải trí, chiếc chăn ấm để đỡ giá lạnh mùa đông…
Trong thời gian nghỉ tết, ở Nà Mò, Khuổi Tà, Tỉnh Khăm… cùng với không khí mùa xuân ở miền sơn cước là câu chuyện làm ăn của người lớn; nhưng sẽ không thiếu những câu chuyện về học hành, sinh hoạt của các em học sinh trường bán trú. Cùng với những dự định lớn lao về cuộc sống ở mỗi gia đình, có những ước mơ giản dị của những cô bé, cậu bé mới chập chững bước vào cuộc sống tập thể trong đời học sinh. Tất cả đều hướng tới một tương lai tốt lành. Nếu nói mùa xuân là tương lai, là ước vọng, thì hơn ai hết, các em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Lộc Bình nói riêng và cả tỉnh nói chung đã và đang cảm nhận mùa xuân đang đến thật gần.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()