Mùa xuân nói chuyện thực hiện văn minh du lịch
Du khách chấp hành quy định chỉ thắp hương tại bát hương công đồng ngoài sân đền Mẫu (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) |
Thực tế đặt ra
Cứ mỗi mùa du lịch đầu năm, các lễ hội được tổ chức là có hàng loạt các loại dịch vụ được mở ra để phục vụ người đi hội. Theo đó, nhiều dịch vụ mở kiểu thời vụ như: trông xe đạp, xe máy, ăn uống, cho thuê lều bạt… Mặt khác, phải kể đến là ý thức của du khách trẩy hội. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng một số du khách tùy tiện xả rác, đốt nhiều vàng mã, đồ mã, rồi văn hóa đặt tiền lễ, chen lấn xô đẩy nơi lễ hội, di tích và tham gia giao thông thiếu ý thức… Những năm qua, tuy hiện tượng trên đã dần được khắc phục, song vẫn cần những động thái tích cực, mạnh mẽ hơn.
Động thái tích cực
Đầu năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có Quyết định số 718/QĐ- BVHTTDL, ngày 2/3/2017 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, đó là những quy định mang tính chất chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Đây là động thái tích cực và thiết thực của ngành du lịch trong xây dựng môi trường du lịch, hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam. Đồng thời, đây cũng chính là “cẩm nang” cho các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Lạng Sơn soi chiếu, vận dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tình hình của địa phương.
Trong những năm qua, Lạng Sơn đã có những động thái tích cực nhằm xây dựng hình ảnh du lịch luôn thân thiện, an toàn, mến khách và phát triển bền vững. Dễ nhận thấy như: môi trường đô thị được quan tâm chỉnh trang; môi trường, cảnh quan các di tích danh thắng được chú trọng, đảm bảo, giữ gìn và tôn tạo theo hướng xanh – sạch – đẹp; mùa lễ hội ở Lạng Sơn đã được tổ chức tốt, đi vào nền nếp, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách, chú trọng thực hiện nếp sống văn minh, nhân lên những nét đẹp, giá trị văn hóa giàu bản sắc.
Cùng với đó, sự vào cuộc hưởng ứng, tuyên truyền của các lực lượng, các tầng lớp nhân dân về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường được phát huy. Biểu hiện cụ thể qua các lễ phát động, chiến dịch ra quân bảo vệ môi trường sống nói chung, môi trường các khu, điểm du lịch nói riêng. Chỉ đơn cử, trong tháng 12/2017, nhằm thiết thực hưởng ứng tuần lễ nói không với túi nilon khó tự phân hủy trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngành VH,TT&DL đã tổ chức lễ ra quân và các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về hạn chế sử dụng túi nilon khó tự phân hủy để bảo vệ môi trường tại Khu du lịch Mẫu Sơn. Đây cũng là nội dung sẽ được quan tâm tuyên truyền trong mùa lễ hội 2018.
Đặc biệt, vào mỗi dịp đầu năm mới – mùa lễ hội hay dịp nghỉ lễ, Sở VH,TT&DL đều có công văn gửi Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện, thành phố; Ban quản lý di tích tỉnh; Ban Quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn; Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ đề nghị quan tâm thực hiện tốt các nội dung về văn minh du lịch. Cụ thể như: tăng cường tuyên truyền, vận động dân cư, hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ du khách ở địa bàn thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa với du khách; kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại khu, điểm du lịch; quan tâm đầu tư, nâng cấp, đảm bảo về điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để phục vụ du khách; đảm bảo các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống các dịch bệnh…
Cần sự cộng đồng trách nhiệm hơn nữa
Có thể nói, giờ đây, phong cách “toàn dân làm du lịch” đã, đang được hình thành rõ nét hơn. Biểu hiện như: thái độ, cách thức đón tiếp khách niềm nở, văn minh, lịch sự, đảm bảo văn hóa du lịch, văn minh thương mại. Trong mua bán hàng hóa, dịch vụ du lịch, hình ảnh chèo kéo, nài ép khách, dần được xóa bỏ.
Quả thật, nếu chỉ có sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng là chưa đủ. Cho nên, sự hưởng ứng, ý thức của mỗi người dân trong thực hiện văn minh du lịch là vô cùng quan trọng. Có thể coi Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch là “bộ nhận diện”, là “công thức” để mỗi cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động du lịch dễ dàng nắm bắt, điều chỉnh mình thực hiện sao cho đúng mực nhất.
Để làm được điều đó, thiết nghĩ, cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: qua các ấn phẩm báo chí; niêm yết công khai tại các điểm du lịch, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà hàng, khách sạn về các quy tắc tóm tắt, về thông điệp. Đi đôi với đó là bổ sung, cụ thể hóa vào các quy ước, hương ước của từng khu dân cư, gắn với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đô thị văn minh… Được như vậy, tin rằng, du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Lạng Sơn nói riêng sẽ còn khởi sắc hơn nữa.
Ý kiến ()