Tiếp sức cho những người từng lầm lỡ tái hoà nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống
- Một mùa xuân mới lại về, không khí xuân rạo rực, tươi vui trùm khắp đường làng, ngõ xóm, gõ cửa mọi nhà. Đối với những người vừa chấp hành xong án phạt tù, mùa xuân năm nay, niềm vui của họ trọn vẹn hơn, bởi chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước. Đó là chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù để giúp những mảnh đời lầm lỗi làm lại cuộc đời.
Chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù được triển khai theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Sau hơn một năm triển khai, chương trình đã và đang đi vào cuộc sống, khẳng định được ý nghĩa xã hội và tính nhân văn của một cơ chế đặc thù, giúp cho những người từng lầm lỡ được tiếp cận vốn vay ưu đãi, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Tập trung tuyên truyền
Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh về chính sách nhân văn này, ông Thắng cho biết: Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn học nghề, sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống. Để triển khai hiệu quả chương trình cho vay này, đơn vị đã tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đến ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện tuyên truyền và triển khai thực hiện chương trình. Cùng với đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh còn phối hợp với Công an tỉnh, các tổ chức - chính trị xã hội nhận ủy thác tuyên truyền sâu rộng, phổ biến chương trình đến người dân, đối tượng thụ hưởng.
Theo đó, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: qua văn bản, tờ rơi, phối hợp tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh đến tận các thôn, bản... Đồng thời, phối hợp với đơn vị công an rà soát các đối tượng vừa chấp hành xong án phạt tù tại địa phương đủ điều kiện vay vốn chương trình để tiến hành tuyên truyền trực tiếp, hướng dẫn họ vay vốn đầu tư các mô hình kinh tế phù hợp với hoàn cảnh gia đình, phát huy lợi thế địa phương.
Các phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền về chính sách tín dụng này; phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp tuyên truyền tại điểm giao dịch xã, nắm bắt danh sách người vừa chấp hành xong án phạt tù và phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn, giải ngân nhanh chóng, kịp thời.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Bình là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, đến nay, đơn vị đã giải ngân cho 21 đối tượng vay vốn, với tổng số tiền 2 tỷ đồng. Ông Triệu Việt Quý, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Ngay sau khi Quyết định 22 có hiệu lực, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện quyết định này. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực tuyên truyền về chính sách cho vay, thực hiện tuyên truyền tại các điểm giao dịch xã để mọi người cùng nắm được. Hiện tại, các trường hợp vay vốn trên địa bàn huyện đều tuân thủ các quy định của pháp luật, sử dụng vốn vay đúng mục đích để phát triển các mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi…
“Trợ lực” cho người chấp hành xong án phạt tù
Từ nguồn vốn vay của chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, những người từng lầm lỡ đã có cơ hội làm lại cuộc đời. Sau hơn một năm triển khai chương trình, nhiều hộ đã xây dựng được các mô hình kinh tế, bước đầu có thu nhập ổn định, nhờ đó, cái tết của họ năm nay cũng ấm áp và trọn vẹn hơn.
Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đi cùng cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hữu Lũng đến thăm xưởng mộc của gia đình ông Trương Văn Nhảy, thôn Trại Mới, xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng. Ông Nhảy tâm sự: Bản thân tôi vừa chấp hành xong án phạt tù từ tháng 6/2024, khi trở về địa phương, tôi quyết tâm làm lại từ đầu, xa lánh tệ nạn xã hội và chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Trong thời điểm khó khăn về vốn, tôi được tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn và cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hữu Lũng tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình vốn cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Tháng 9/2024, tôi được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng, từ số tiền này, tôi đã đầu tư mua máy móc, nguyên liệu mở xưởng mộc, sản xuất các sản phẩm từ gỗ như bàn, ghế, giường, tủ… nhờ đó, tôi có thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tôi còn bàn với gia đình cải tạo đất đồi trồng được 3 ha cây bạch đàn, đây là động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong thời gian tới.
Từ chính sách nhân văn này đã giúp nhiều người từng lầm lỡ trên địa bàn huyện Hữu Lũng tái hòa nhập cộng đồng. Hiện toàn huyện có 20 người đang vay vốn chương trình với dư nợ trên 1,7 tỷ đồng để đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh.
Rời huyện Hữu Lũng, chúng tôi đến tham quan mô hình chăn nuôi ngựa bạch của anh Trịnh Văn Bách (chấp hành xong án phạt tù từ tháng 4/2021), khối phố Vĩnh Thuận, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn. Anh Bách là một trong những trường hợp vừa được vay 100 triệu đồng vào cuối năm 2023 từ chương trình cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù. Anh Bách chia sẻ: “Nguồn vốn cho vay của ngân hàng thật sự là nguồn động viên rất lớn về vật chất và tinh thần đối với gia đình tôi, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những người từng phạm sai lầm như tôi. Khi mới trở về địa phương, tôi rất mặc cảm về quá khứ của mình, muốn phát triển kinh tế nhưng lại không có vốn mà cũng không ai dám cho một người mới ra tù như mình vay. Được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giải ngân cho vay 100 triệu, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi ngựa bạch, để có kiến thức áp dụng vào chăm sóc đàn ngựa, tôi tích cực tìm tòi kiến thức về chăn nuôi thông qua sách, báo và mạng internet nên hiện đàn ngựa của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2024, gia đình tôi đã bán được 20 con ngựa con, thu lãi 350 triệu đồng. Từ đó, tôi còn tạo việc làm cố định cho 1 lao động và 5 - 7 lao động thời vụ tại địa phương".
Không chỉ có ông Nhảy, anh Bách, với mục tiêu xuyên suốt là quyết tâm hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, không để trường hợp nào đúng đối tượng, đủ điều kiện và có nhu cầu mà không được vay vốn từ chương trình, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 155 hộ vay vốn với dư nợ đạt trên 14,2 tỷ đồng. Các hộ vay vốn với mục đích để trồng, chăm sóc rừng, cây ăn quả; chăn nuôi; sản xuất kinh doanh - dịch vụ... đều phát huy hiệu quả.
Từ những kết quả bước đầu của chương trình cho vay, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về chính sách. Đặc biệt, tuyên truyền về những mô hình sử dụng vốn có hiệu quả để tạo sức lan tỏa, đồng thời tiếp tục rà soát các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương và tuyên truyền về chính sách để giúp họ có nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Một năm mới đang về trên khắp các nẻo đường, ngõ xóm. Đối với những người từng lầm lỡ, nguồn vốn đã tạo điều kiện để họ vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề; tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; mức vốn cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay đối với chương trình cho vay người chấp hành xong án phạt tù bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (hiện nay là 6,6%/năm), thời hạn vay là 5 năm. Về phương thức cho vay, đối với người chấp hành xong án phạt tù, đại diện gia đình đứng tên vay vốn và giao dịch với ngân hàng; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, NHCSXH nơi cho vay thực hiện cho vay trực tiếp.
|
Ý kiến ()