"Mùa xuân A-rập" đã tràn qua các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi hơn một năm qua và nó đã và đang tàn phá nền kinh tế của khu vực này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, thiệt hại về sản lượng của sáu nước A-rập (Ba-ren, Ai Cập, Li-bi, Xy-ri, Tuy-ni-di và Y-ê-men), được coi là bất ổn định nhất trong năm 2011, là khoảng 50 tỷ USD, chiếm 11% sản lượng năm 2010 của sáu nước này cộng lại.Thiệt hại về sản lượng của Ai Cập là mười tỷ USD. IMF dự tính sản lượng kinh tế của Li-bi giảm một nửa, xuống còn 35 tỷ USD. Nền kinh tế của các nước A-rập khác ở Bắc Phi và phía đông Địa Trung Hải cũng bị ảnh hưởng nặng nề.Nhằm làm giảm bất ổn về xã hội, chính phủ nhiều nước A-rập đã phải tăng lương, tăng trợ cấp lương thực và năng lượng. Kết quả là nền tài chính vốn đã eo hẹp càng trở nên suy yếu, đồng thời làm giảm dự trữ ngoại tệ. Ai Cập phải đương đầu với cả cuộc khủng hoảng nợ trong nước và cuộc khủng hoảng...
“Mùa xuân A-rập” đã tràn qua các nước khu vực Trung Đông và Bắc Phi hơn một năm qua và nó đã và đang tàn phá nền kinh tế của khu vực này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, thiệt hại về sản lượng của sáu nước A-rập (Ba-ren, Ai Cập, Li-bi, Xy-ri, Tuy-ni-di và Y-ê-men), được coi là bất ổn định nhất trong năm 2011, là khoảng 50 tỷ USD, chiếm 11% sản lượng năm 2010 của sáu nước này cộng lại.
Thiệt hại về sản lượng của Ai Cập là mười tỷ USD. IMF dự tính sản lượng kinh tế của Li-bi giảm một nửa, xuống còn 35 tỷ USD. Nền kinh tế của các nước A-rập khác ở Bắc Phi và phía đông Địa Trung Hải cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhằm làm giảm bất ổn về xã hội, chính phủ nhiều nước A-rập đã phải tăng lương, tăng trợ cấp lương thực và năng lượng. Kết quả là nền tài chính vốn đã eo hẹp càng trở nên suy yếu, đồng thời làm giảm dự trữ ngoại tệ. Ai Cập phải đương đầu với cả cuộc khủng hoảng nợ trong nước và cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán trong năm 2012. Vay nợ của Chính phủ Ai Cập đang tăng trong khi các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi nước này, buộc chính phủ phải dựa vào các ngân hàng địa phương để giải quyết thiếu hụt ngân sách. Ngay cả Ca-ta, một nước giàu có ở vùng Vịnh được coi là đã tránh được “Mùa xuân A-rập”, cũng bị ảnh hưởng. Do tình hình bất ổn ở Ba-ren và các cuộc biểu tình ở vùng biên giới phía đông A-rập Xê-út, các nhà kinh doanh Ca-ta đã phải cắt giảm kế hoạch sản xuất. Năm 2011, Ca-ta đã phải nhập ít nhất 400 nghìn tấn clanh-ke để sản xuất xi-măng. Những điều kiện không thuận lợi ở phía đông Địa Trung Hải đã buộc Tập đoàn sản xuất xi-măng CTI của Gioóc-đa-ni, một trong những tập đoàn sản xuất xi-măng lớn nhất thế giới, gặp khó khăn. Vận chuyển xi-măng của CTI sang Ai Cập giảm sút khi bùng nổ các cuộc biểu tình chống ông Mu-ba-rắc đầu năm ngoái, đến nay vẫn chưa hồi phục, trong khi chuyển giao xi-măng cho Y-ê-men bị gián đoạn do tình hình bất ổn tại nước này. Quan hệ thương mại giữa Gioóc-đa-ni với Li-bi vẫn ngưng trệ mặc dù cuộc nội chiến ở Li-bi đã chấm dứt cuối năm ngoái. Tập đoàn CTI dự kiến quan hệ thương mại với các nước A-rập trong năm nay vào khoảng từ 12 đến 14% so với ít nhất 30% trong thời gian tình hình ổn định. “Mùa xuân A-rập” đã làm lợi nhuận của CTI giảm lần đầu tiên trong gần mười năm nay. Tình hình không ổn định ở phía đông Địa Trung Hải đã buộc CTI chuyển một số cơ sở sản xuất xi-măng sang In-đô-nê-xi-a. Các nước A-rập là thị trường truyền thống của CTI trong 20 năm qua. “Mùa Xuân A-rập” đã và đang làm CTI lao đao. Tình hình an ninh không bảo đảm và bất ổn định về chính trị ở nhiều nước A-rập tiếp tục đe dọa các nhà đầu tư vào khu vực này.
Một trong những nguyên nhân làm bùng nổ các cuộc biểu tình chống chính phủ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi là tình trạng thất nghiệp, nhất là trong thanh niên, và sự bất công xã hội, thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo báo cáo của LHQ, các nước A-rập cần tạo ra 51 triệu việc làm vào năm 2020 để thu hút lực lượng lao động. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong thanh niên ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi là hơn 23%. Chính phủ ở nhiều nước A-rập đang bàn thảo về sự cần thiết thực hiện một kiểu tăng trưởng kinh tế “trọn gói”, theo đó vừa tạo ra việc làm vừa để nhiều người dân được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế. Những biện pháp để thực hiện mục tiêu này gồm tăng chi phí cho giáo dục, nhà nước đầu tư vào giao thông và chăm sóc sức khỏe nhiều hơn và cải cách chế độ thuế. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng châu Âu về tái thiết và phát triển (EBRD), ông E.Bớc-lóp, cuộc bàn thảo nói trên sẽ trở nên “trống rỗng” trừ phi chính phủ các nước A-rập ổn định được tình hình kinh tế và chính trị. Tại Tuy-ni-di, chính phủ mới được bầu tháng 10 năm ngoái đang chi tiền để tạo việc làm và đầu tư vào những khu vực kinh tế mới. Tháng 1 năm nay, QH Tuy-ni-di đã thông qua việc tăng 7,5% ngân sách năm 2012 so năm ngoái.
IMF dự tính tăng trưởng kinh tế ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi là 3,6% trong năm 2012, giảm so năm ngoái (4%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng ở từng nước tại khu vực này là khác nhau. Thí dụ, mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Ai Cập chỉ đạt 1,8%; của Xy-ri và Li-bi sẽ giảm mạnh nếu tình hình ở hai nước này tiếp tục bất ổn. Hơn một năm sau khi “Mùa xuân A-rập” bùng phát, tình hình các nước Bắc Phi vẫn chưa ổn định. “Mùa xuân A-rập” đã tác động đến toàn bộ các nền kinh tế khu vực với mức độ ảnh hưởng khác nhau. IMF dự báo kinh tế Ma-rốc tăng trưởng 4,5% trong năm nay, trong khi kinh tế Tuy-ni-di phải chịu tổn thất từ sự suy giảm của ngành du lịch, sự ra đi của các doanh nghiệp nước ngoài do các cuộc biểu tình và việc quan hệ kinh tế với Li-bi bị gián đoạn. Trong khi đó, điều đáng lo ngại là tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này lên tới 30 % đối với những người dưới 25 tuổi và 14% đối với toàn bộ dân số. Liên hiệp châu Âu (EU) đã cam kết hỗ trợ các nước Bắc Phi cả về chính trị và kinh tế. Nghị viện châu Âu đã thông qua hiệp định tự do lưu thông nông sản và hải sản giữa khối này với Ma-rốc. Tuy nhiên, EU cũng nói rõ là không thể đáp ứng được hết những gì các nước Bắc Phi hy vọng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()