Mùa vàng trên bản Mò O Ồ Ồ
“Lúa nước Rục Làn” là một trong những mô hình đã thực sự làm thay đổi nhận thức |
Đồn Biên phòng Cà Xèng (BĐBP Quảng Bình) quản lý địa bàn 2 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn là Thượng Hóa và Hóa Sơn của huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình với tổng dân số là 1.261 hộ/5.522 khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 40%, chủ yếu là dân tộc Chứt với tộc người Rục và Sách sinh sống. Nơi đây, đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu.
Với quan điểm “bảo vệ biên giới phải dựa vào dân, dân có no, có ấm, có tin bộ đội thì mới cùng chung sức bảo vệ biên giới”, trong những năm qua, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã có nhiều mô hình hay, công trình giúp dân có ý nghĩa, đã làm thay đổi cả nhận thức cũng như tự chủ lương thực cho từng hộ dân.
Giúp dân trồng lúa nước, tự chủ lương thực
Năm 2010, BĐBP Quảng Bình mà trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã băng rừng khảo sát địa hình, đi tìm nguồn nước, xóa đói cho người Rục. Từ đó, dự án trồng cây lúa nước dưới chân núi Rục Làn được đưa vào thử nghiệm.
Để triển khai, ban đầu, các chiến sĩ BĐBP phải làm tất cả mọi công đoạn, sau đó vận động, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con từ quy trình đến cách làm giống, gieo mạ, rồi đến thu hoạch.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng thu hoạch lúa giúp dân bản |
Sau 10 năm triển khai, với hàng ngàn ngày công giúp dân làm lúa nước, đến nay, các chiến sĩ đã giúp cho bà con nơi đây tự làm chủ được lương thực, không còn phụ thuộc vào trợ cấp gạo của Chính phủ hằng tháng như trước đây.
Đến hôm nay, gần 10 ha đất rừng hoang hóa đã nhường chỗ cho những cánh đồng lúa vàng bông, trĩu hạt, cho năng suất trung bình 4 tấn/ha, mang ấm no đến cho bản làng người Rục.
Ngoài giúp bà con chủ động lượng thực, Đồn Biên phòng Cà Xèng còn nhận đỡ đầu bản Mò O Ồ Ồ (bản có người Rục sinh sống đông nhất), nhận 5 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, là con em tộc người Rục, Sách về nuôi dưỡng, chăm lo cho các em ăn học; vận động 75 em học sinh bỏ học trở lại lớp và 235 em tham gia phổ cập tiểu học, trung học cơ sở.
Thêm vào đó, Đồn Biên phòng Cà Xèng cũng cùng với chính quyền địa phương thực hiện các công trình thiết thực như “đường dân sinh”, “trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc”, “bê tông hóa các tuyến đường nông thôn”; giúp 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ và thôn Quyền làm công trình “ánh sáng vùng biên” với hơn 8 km đường điện; tham gia khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người dân trên địa bàn 2 xã biên giới.
Ông Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa cho biết: “Trước đây, bà con dân bản không biết trồng lúa nước, chỉ biết trỉa trên nương rẫy thôi, nhưng được bộ đội về, bộ đội hướng dẫn nên bà con mới tin, rồi làm theo, nay đã biết làm rồi, cuộc sống ấm no hơn.
Bà con cũng có điện đường, nhà văn hóa, sân bóng chuyền để chơi, vui lắm. Mấy cháu bỏ học cũng nhờ các chú, nó mới trở lại trường. Hằng tháng, các chú cho tiền, mua dụng cụ học tập cho. Có 5 đứa quá khó khăn nên các chú đưa về nuôi, cho ăn, học đầy đủ lắm. Dân bản biết ơn bộ đội nhiều lắm”.
Đại úy Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: “Đóng quân trên địa bàn, nhận thấy đời sống đồng bào còn khó khăn nên chúng tôi quyết tâm tìm cách giúp đồng bào thay đổi. “Lúa nước Rục Làn” là một trong những mô hình đã thực sự làm thay đổi nhận thức của đồng bào rõ nét nhất.
10 năm với những gian nan, vất vả, tưởng chừng như phải bỏ cuộc bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi, nước ruộng khan hiếm, đặc biệt là hiểu biết của đồng bào về lúa nước còn lạ lẫm, bộ đội đã phải đi từng nhà kêu gọi, động viên, thậm chí cho quà mới chịu đi làm. Nhưng tình hình hiện nay đã khác, bà con đã tự giác xuống đồng, cơ bản nắm được quy trình làm lúa nước, đặc biệt là biết quý trọng hạt gạo do chính mồ hôi công sức mình bỏ ra, chứ không đem đi đổi rượu như mỗi lần nhận gạo trợ cấp của Chính phủ.
Chúng tôi đã và đang tiếp tục nghiên cứu thêm các mô hình khác nữa để góp phần thay đổi cuộc sống, đồng hành cùng sự tiến bộ của bà con nơi đây”.
Các chiến sĩ hỗ trợ bò giống cho bà con dân bản |
Vì bình yên của đồng bào
Thời gian vừa qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng đồng bào nơi đây suy nghĩ khá đơn giản, cho rằng dịch không lên đến vùng cao hẻo lánh này.
Nhận thấy trách nhiệm của mình cần phải thay đổi nhận thức của đồng bào, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã chủ động vận dụng nhiều hình thức phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn đơn vị và địa bàn miền núi, nhất là phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở đây. Đó là hệ thống loa truyền thanh nội bộ các thôn, bản, được cán bộ chiến sĩ đơn vị sử dụng hằng ngày để trực tiếp truyền đi những cách phòng dịch cơ bản nhất, hướng dẫn vệ sinh nhà ở, phun thuốc phòng dịch, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang, khuyến cáo không tụ tập đông người, khai báo y tế khi có các triệu chứng ho, sốt.
Đồn Biên phòng Cà Xèng cũng chủ động mua sắm và cấp phát cho đồng bào khẩu trang y tế, nước súc miệng, dung dịch rủa tay; vận động ủng hộ rau, củ, quả cung cấp cho khu cách ly tập trung của huyện. Hiện nay, đơn vị đã bố trí nhà ở của tổ công tác Đồn Biên phòng Cà Xèng làm điểm sẵn sàng cách ly bệnh nhân.
Sau 2 tháng kiên trì tuyên tuyền, hướng dẫn, đến nay bà con đã nhận thức, biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh; tin tưởng hơn vào Đảng, Chính phủ và lực lượng BĐBP trong phòng, chống dịch bệnh.
“Từ nhiều tháng qua, trên dọc tuyến biên giới thuộc địa bàn quản lý, các chiến sĩ biên phòng bám bản, bán làng, dù có khó khăn, vất vả hơn nhưng chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua, bởi tất cả vì sự bình yên, an toàn của đồng bào”, Đại úy Nguyễn Trung Chính chia sẻ.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()