Múa sư tử - Nét văn hóa đặc sắc dân tộc Nùng xã Hải Yến
LSO-Múa sư tử là nét văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện tinh thần thượng võ của bà con các dân tộc Nùng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc. Chính nơi đây người dân đã quan tâm phục hồi được rất nhiều điệu múa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Thanh niên dân tộc Nùng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc học múa sư tử |
Cuối tháng 10/2016, ngày nào bà con xã Hải Yến cũng thức dậy từ rất sớm, tập trung tại nhà văn hóa thôn Tồng Riền để xem nghệ nhân của xã dạy múa sư tử. Từ lâu, múa sư tử đã là niềm say mê của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Vì thế, khi hay tin Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức lớp học múa sư tử trong thời gian 1 tháng tại xã, đông đảo bà con trong thôn đã nhiệt tình hưởng ứng, đăng ký tham gia.
Múa sư tử của dân tộc Nùng xã Hải Yến (hay còn gọi là múa sư tử mèo) được hình thành từ rất lâu đời. Bà con nơi đây thường biểu diễn múa sư tử vào các dịp lễ hội mừng xuân, trung thu, ngày hội xuống đồng. Với quan niệm sự xuất hiện của sư tử là điềm lành, múa sư tử được đồng bào ưa thích vì nhiều vũ điệu khỏe khoắn, phù hợp tinh thần thượng võ của người miền núi. Người dân quan niệm múa sư tử sẽ xua đuổi được tà ma, làm ăn thuận, mùa màng bội thu.
Hiện nay, 7/7 thôn trên địa bàn xã đều đã thành lập được 1 đội múa của riêng thôn mình. Người dân tự góp tiền đầu tư trang phục và các dụng cụ biểu diễn như: chiêng, trống, thanh la… Đặc biệt, đầu sư tử được người dân tự làm bằng nguyên liệu sẵn có và trang hoàng bằng những màu sắc rất sặc sỡ. Khuôn mặt mỗi con sư tử đều mang một sắc thái riêng. Khi vào mùa lễ hội, các đội sư tử này đến các bản, làng cùng trình diễn, thi đấu tạo không khí lễ hội thêm tươi vui phấn khởi.
Không biết từ bao giờ, bà con dân tộc nơi đây đã yêu thích múa sư tử. Thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau các điệu múa, cách biểu diễn độc đáo, không trùng lặp với những nơi khác. Ông Mã Văn Nhân, Trưởng thôn Tồng Riền cho biết: Từ lâu, múa sư tử được người dân xã Hải Yến quý trọng và gìn giữ như một di sản văn hóa của dân tộc. Bản thân tôi cũng học được cách múa, kinh nghiệm biểu diễn của cha ông truyền và tiếp tục truyền dạy lại cho con, cháu trong gia đình, dòng họ để biểu diễn chúc tết và tham gia góp vui vào các ngày lễ lớn của xã, của huyện.
Điều đáng ghi nhận là trước sự xâm nhập của nhiều loại hình văn hóa ngoại lai, niềm say mê đối với di sản văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn lan truyền, ngấm sâu vào thế hệ trẻ. Nếu ai có dịp đến Hải Yến xem múa sư tử sẽ dễ dàng bắt gặp những ánh mắt thích thú, chăm chú không rời của các em nhỏ nơi đây. Vừa xem các anh luyện tập múa sư tử tại nhà văn hóa thôn, em Mã Thiên Trường, học sinh Trường Tiểu học xã Hải Yến phấn khởi: Em rất thích đi xem múa sư tử. Mỗi khi đi học về, em thường nhờ bố dạy cho cách múa sư tử và dành thời gian rảnh rỗi luyện tập cùng các bạn, các anh chị trong xóm để múa cho thật đẹp.
Được biết, nhân dịp kỷ niệm 185 năm ngày thành lập tỉnh, Sở VHTTDL sẽ chọn khoảng 45 đầu sư tử từ 11 huyện, thành phố để tham gia biểu diễn tại ngày hội văn hóa các dân tộc, trong đó có 15 đầu sư tử được chọn từ các học viên tiêu biểu nhất của xã Hải Yến. Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Múa sư tử mèo là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Nùng xã Hải Yến. Trong từng bước đi, thế võ đều gìn giữ đậm nét văn hóa bản sắc của dân tộc, không hề có sự pha trộn. Vì thế, Sở VHTTDL đã quyết định lựa chọn nơi đây để mở lớp truyền dạy với mong muốn bảo tồn, phát huy nét văn hóa dân tộc độc đáo này và từ đó nhân rộng ra những xã lân cận.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()