Múa sư tử mèo di sản văn hoá đậm bản sắc Xứ Lạng
– Ở Xứ Lạng, múa sư tử mèo không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, thể hiện khát vọng về sự may mắn, sung túc mỗi dịp Tết đến xuân về.
Đội múa sư tử thôn Cốc Lào, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng biểu diễn tại hội thi múa sư tử mèo dân tộc Tày, Nùng năm 2022
Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của những điệu múa sư tử mèo, chúng tôi tìm gặp Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh. Ông cho biết: Múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Tày, Nùng (hai dân tộc chiếm trên 80% dân số Lạng Sơn). Sư tử mèo còn mang trong mình biểu tượng của sự may mắn, uy phong, tinh thần thượng võ, đi đến đâu thì mang sự thịnh vượng, hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Vì thế, vào ngày đầu năm mới đồng bào Tày, Nùng thường mời các đội múa sư tử vào nhà mình múa với quan niệm: sư tử xuất hiện sẽ xua đuổi tà ma, diệt mọi ôn dịch, biểu hiện của sự thái bình và niềm tin vào một năm mới sung túc.
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 78 đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng với 898 thành viên. Tỉnh có 725 nghệ nhân có thể thực hành các điệu múa, trò diễn, có 131 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, 60 nghệ nhân có khả năng chế tác đầu sư tử và các đạo cụ. Mỗi đội múa sư tử mèo có từ 8 – 16 người, gồm: Người múa sư tử, đười ươi, mặt khỉ và đội múa võ dân tộc. Múa sư tử mèo có những vật dụng, đạo cụ đặc trưng không thể thiếu như: mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn. Các nhạc cụ dùng trong múa sư tử mèo khá đa dạng, gồm: Trống, chiêng, chũm chọe. Mỗi nhạc cụ có một âm thanh khác nhau, nhưng khi hòa tấu thì trở thành một dàn nhạc dân tộc rất độc đáo, đặc sắc. Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều bài múa cho phù hợp như: Múa chào thần thánh, bái tổ, cầu may, múa tại hội lồng tồng, nhào lộn qua vòng lửa… |
Múa sư tử ở Lạng Sơn có nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với ngôn ngữ, giọng điệu của từng vùng như: Kỳ Lằn, Phụ, Loòng Phụ, Phụ mèo… Nhưng tên gọi chung được sử dụng tương đối phổ biến hiện nay là múa sư tử mèo. Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố: âm nhạc, mỹ thuật, múa… có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác thể hiện một cách sinh động về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của người Tày Nùng, gắn liền với những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện. Những giá trị này đã tạo nên bản sắc văn hóa được cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Người dân Tày, Nùng Lạng Sơn đã sáng tạo nên những di sản văn hóa mang bản sắc độc đáo, riêng biệt, trong đó có múa sư tử mèo. Nếu đối chiếu so sánh thì nó không hề giống với múa sư tử của người Tày, Nùng ở những vùng khác, từ hệ thống vũ đạo, hình thức thực hành di sản tới nội dung chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa nhân sinh, giáo dục… Do đó, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục có những giải pháp để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản này theo tiêu chí của UNESCO. Nhằm xây dựng hồ sơ, đưa di sản Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Để hồ sơ có tính khả thi và tiến đến bước cuối cùng là được vinh danh, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cần xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể. Đồng thời, triển khai các bước giải quyết theo mục đích xây dựng hồ sơ đã xác định, song song với hoạt động tham quan, nghiên cứu kinh nghiệm bảo tồn nghệ thuật dân gian/diễn sướng, biểu diễn ở nước ngoài…” Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam |
Với những đặc trưng đó, múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 1852 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) ngày 8/5/2017. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn di sản này càng được các cấp, ngành và nhiều người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám Đốc Sở VHTT&DL cho biết: Việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy di sản múa sư tử mèo luôn được ngành quan tâm thực hiện thông qua nhiều giải pháp như: nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin, tư liệu về di sản múa sư tử mèo, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian để trao truyền di sản, tạo không gian thực hành múa sư tử; tổ chức các sự kiện văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương… Bên cạnh đó, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021-2030” với những nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Sở VHTT&DL đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành sưu tầm, kiểm kê trên 100 tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến các di sản văn hóa nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói chung, múa sư tử dân tộc Tày, Nùng nói riêng. Nhờ đó, một số điệu múa, bài võ cổ truyền có nguy cơ mai một như: nhảy bốn góc bàn (dết xoòng, dết xoòng tài), nhảy qua ống cót (bua tẹm, vòng tẹm), nhảy qua vòng lửa (quá tu phầy) … có nguy cơ mai một đã bước đầu được nghiên cứu, tìm hướng khôi phục, nhân rộng.
Đi đôi với công tác nghiên cứu, từ năm 2016 đến nay, Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 60 lớp truyền dạy múa sư tử, thu hút gần 200 học viên tham gia. Những học viên này từng bước trở thành hạt nhân để phổ biến, truyền dạy trong cộng đồng dân cư, góp phần bảo lưu, trao truyền điệu múa truyền thống.
Cùng với công tác nghiên cứu, truyền dạy, bước đầu Sở VHTT&DL đã quan tâm, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện thí điểm thành lập, duy trì hoạt động đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tại các điểm du lịch như :Làng du lịch văn hóa cộng đồng Quỳnh Sơn, Hoan Trung, (huyện Bắc Sơn), Phố đi bộ Kỳ Lừa (thành phố Lạng Sơn) để phục vụ khách tham quan. Đồng thời quan tâm khuyến khích mời các nghệ nhân như: Hoàng Choóng (xã Mai Pha, tp Lạng Sơn), Hoàng Văn Huy (xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng) thiết kế và sản xuất các sản phẩm lưu niệm từ múa sư tử. Qua đó, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.
Chị Nguyễn Thu Hà, du khách Hà Nội cho biết: “Tôi rất vui khi được tham gia vào không gian sôi động của phố đi bộ Kỳ Lừa. Tôi đặc biệt ấn tượng với màn múa sư tử mèo, rất hay và độc đáo, do đó, trước khi về tôi đã mua mô hình chiếc đầu sư tử mèo làm quà cho các con mình. Có dịp lần sau tôi sẽ đưa bạn bè tới đây để thưởng thức những điệu múa độc đáo này”.
Song song với đó, ngành VHTT&DL cũng chú trọng đưa điệu múa vào trình diễn, giới thiệu quảng bá trong các sự kiện văn hóa – du lịch trong và ngoài tỉnh. Cụ thể, đã có trên 1.000 lượt giao lưu, trình diễn, hội thi múa sư tử được duy trì tổ chức trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016-2021. Đáng chú ý, hội thi múa sư tử mèo cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2022, quy tụ 10 đội thi đến từ 8 huyện với gần 200 nghệ nhân dân gian tham gia đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng.
Em Lâm Văn Cường, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Em được học múa sư tử từ năm 6 tuổi, học múa sư tử em thích lắm, vì mỗi điệu múa không chỉ giúp em có sức khỏe dẻo dai hơn mà còn rèn luyện cho em sự tự tin. Đến nay em đã học múa sư tử được 3 năm rồi, giờ em đã có thể múa thành thạo một số điệu và đi biểu diễn ở nhiều nơi, vừa rồi được tham gia vào hội thi múa sư tử mèo cấp tỉnh em được mọi người cổ vũ và quý mến, em càng thấy tự hào và yêu điệu múa sư tử quê mình hơn.
Một năm mới nữa đã đến, chắc hẳn đối với mỗi người khi có dịp thưởng thức những điệu múa sư tử mèo truyền thống đều cảm thấy yêu và trân trọng hơn những vốn quý văn hóa mà ông cha ta đã dày công bồi đắp, gìn giữ. Trân quý hơn nữa khi di sản này được cả cộng đồng chung tay gìn giữ, phát huy. Để trong nhịp sống hiện đại này, di sản múa sư tử mèo ngày càng lan tỏa và khẳng định sức sống với thời gian.
Ý kiến ()