Mùa na “khổng lồ” Xứ Lạng
– Vài năm gần đây, người dân trên địa bàn các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng đã đưa giống na Thái Lan (na Thái) vào trồng thử nghiệm. Sau quá trình trồng, chăm sóc, đến nay nhiều diện tích na đã cho thu hoạch quả. Thời điểm này, người dân trồng na Thái đang tất bật với công việc thu hái. So với giống na địa phương thì giống na Thái cho quả “khổng lồ” và bán được với giá cao hơn, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
CHANG LIỄU
Na Thái là giống na mới trên địa bàn tỉnh, được trồng chủ yếu tại huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng với diện tích trên 30 ha, trong đó có khoảng 15 ha đã cho thu hoạch quả. Để cây khỏe, sạch bệnh, người dân phải tích cực chăm sóc và cắt tỉa cành thường xuyên
Yên Vượng là xã có diện tích na Thái lớn nhất trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Toàn xã hiện có khoảng 8 ha na Thái, trong đó có trên 5 ha đã cho thu hoạch quả. Cây na Thái trồng trên địa bàn xã phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên phát triển rất tốt. Tuy nhiên, giống na này có tỷ lệ đậu quả tự nhiên thấp nên người dân phải chú trọng việc thụ phấn cho hoa
Gia đình bà Hoàng Thị Nhình, thôn Chục Quan, xã Yên Vượng là một trong những hộ dân đầu tiên trên địa bàn xã mang giống na "khổng lồ'' này về trồng (năm 2014). Hiện nay, gia đình bà có trên 300 cây na Thái, trong đó có khoảng 100 cây đã cho thu hoạch quả được 5 năm. Vào thời điểm nắng nóng, bà Nhình phải tiến hành bơm nước tưới cho vườn na Thái của gia đình
Cây na Thái thường sẽ cho quả có trọng lượng và kích thước lớn hơn nhiều so với giống na dai, na bở địa phương. Trung bình một quả na Thái sẽ có trọng lượng từ 0,5 đến 1 kg/quả, ngoài ra cũng có quả na đạt trọng lượng "khủng" từ 1,5 đến 1,8 kg/quả
Tương tự huyện Hữu Lũng, Chi Lăng cũng là huyện hiện đang phát triển mạnh cây na Thái. Toàn huyện hiện có khoảng 20 ha na Thái, trong đó gần 5 ha đang cho thu hoạch quả. Thời điểm này người dân trồng na Thái trên địa bàn cũng đang tích cực thu hái quả để bán cho các khách hàng và thương lái đặt trước
Để đảm bảo chất lượng và độ an toàn của sản phẩm, các hộ trồng na Thái chủ yếu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Hiện nay, na Thái đang được người dân bán với giá dao động từ 80 đến 120 nghìn đồng/kg
Na Thái sau khi thu hoạch sẽ được người dân bọc xốp, đóng thùng gửi cho khách hàng. Khách hàng đặt mua chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Hiện nay, từ cây na Thái, một số hộ dân đã có thu nhập ổn định từ 50 đến 120 triệu đồng/năm. Nhận thấy đây là lại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao nên người dân đang tích cực mở rộng diện tích trồng
Tuy nhiên, để cây na Thái phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, các ngành chức năng cần chú trọng tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chú trọng định hướng sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ, qua đó góp phần nâng cao giá trị, mở rộng thị trường và tăng thu nhập cho người dân
Ý kiến ()