Mua muối - nét đẹp ngày đầu năm
LSO-Trong văn hóa của người Việt, muối có vai trò rất quan trọng, chính vì vậy, trong ngày đầu tiên của năm mới, người ta thường mua muối để cầu may, mong công việc hanh thông, tình cảm vững bền. Đây là nét văn hóa đẹp của người Việt.
![]() |
Đầu năm, nhiều gia đình thường rắc muối quanh nhà với mong ước cả năm bình yên, an lành |
Tết âm lịch là dịp rất quan trọng của người Việt, đặc biệt là ngày mùng 1 tết. Sớm đầu năm, nhiều gia đình có thói quen sau khi đi lễ chùa thì không quên mua 1 túi muối để cầu may. Trong tín ngưỡng của người Việt, mua muối không chỉ có ý nghĩa nhân văn mà còn mang tính tâm linh. Bởi muối không chỉ là một loại khoáng chất quan trọng góp phần duy trì sự sống của mọi sinh vật mà còn là kết tinh của trời đất nên rất thanh khiết. Chính vì vậy, muối có tác dụng chống xú uế, xua đuổi tà ma. Trong ngày đầu năm mới, các cụ thường rắc muối quanh nhà với quan niệm “tiễn gạo, tiễn muối xua đuổi tà ma” giữ cho gia đình được bình yên, phòng trừ những điều không hay, không tốt, đón nhận những điều may mắn đến với gia đình trong năm đó.
Đại đức Thích Quảng Truyền, Trụ trì Chùa Thành, thành phố Lạng Sơn cho biết: Người xưa có câu “gừng cay, muối mặn”, muối được xem như biểu tượng của tình cảm thắm thiết mặn nồng. Đầu năm, mọi người thường mua muối bởi sự mặn mòi của muối biển mang ý nghĩa răn dạy mọi người sống với nhau cho đậm tình, đậm nghĩa. Rộng ra là 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam có chung nguồn cội, cùng sinh sống vui vẻ, thuận hòa. Trong mối quan hệ làng xóm, mọi người cần có cách ứng xử văn minh, lịch sự, đoàn kết, hỗ trợ nhau trong đời sống và sản xuất. Nhỏ hơn là trong gia đình, việc mua muối đầu năm ý muốn nhắn nhủ các thành viên trong gia đình, dòng họ luôn thuận hòa, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Những người kinh doanh, buôn bán quan niệm mua muối dịp đầu năm giúp các mối quan hệ làm ăn gắn kết bền chặt, vì vậy mà công việc được hanh thông, thuận buồn, xuôi gió.
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, việc mua muối trong ngày đầu tiên của năm còn mang một ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là lời nhắc nhở của ông bà, cha mẹ với con cháu phải biết tiết kiệm bởi vị mặn của muối cũng giống như vị mặn của mồ hôi, nước mắt. Vì vậy, con cháu “ăn dè hà tiện” để cuối năm mua vôi, mua vôi để xây dựng nhà ở mới, khang trang, đàng hoàng hơn. Đây cũng là lời nhắc mọi người sống cho thật tốt, đừng buông lung, sa đà nghiện ngập, lãng phí, hãy nghĩ đến những người khác còn đói khổ, tàn tật… từ đó chia sẻ những gì mình có để xã hội tốt đẹp hơn. Mua muối nói là mua nhưng không chào đón, mặc cả, không phân biệt mua ít hay mua nhiều. Trước đây, sáng đầu tiên của năm mới, bao giờ cũng có những người bán muối, thồ thúng muối dạo qua các ngõ phố. Khi có người mua, bao giờ họ cũng đong thật đầy, bát muối có ngọn chứ không vơi hay gạt miệng với mong muốn mọi thứ tốt đẹp đong đầy cho gia chủ. Cùng đó, gia chủ cũng không mặc cả mà chuẩn bị những tờ tiền mới trả cho người bán để họ lấy may trong buôn bán, làm ăn.
Bà Trần Thị Xoan, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngày xưa, đường sá đi lại khó khăn, muối quý chẳng kém gì gạo mà nó kết thành cục to chứ không mịn như bây giờ. Sau khi mua về là chia ra từng gói nhỏ để dùng dần. Họ hàng từ các xã ra mà được biếu gói muối thì quý lắm. Vì vậy, ai cũng trông sáng mùng một tết, chờ người bán muối đi qua để mua. Bây giờ, cuộc sống đủ đầy, giao thương thuận tiện, muối ăn không còn quý và hiếm như xưa, đầu năm không còn những người bán muối, người ta cũng dần quên mất nét đẹp mua muối đầu năm.
Tuy không còn những người bán muối dạo, song khi đi lễ tại các đền, chùa trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, mọi người vẫn có thể mua túi muối được gói trong tấm giấy đỏ, bên ngoài có gắn chữ “phúc”, “lộc”, “tài”… Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, nét đẹp mua muối cần tiếp tục được duy trì và phát triển, như vậy sẽ góp phần bảo tồn những nét văn hóa của người Việt không thể nhầm lẫn với văn hóa của bất kỳ quốc gia nào.
HOÀNG VƯƠNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()