Mưa lũ tại các tỉnh miền Trung làm 29 người chết
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 18/10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 29 người chết (Nghệ An: 2, Hà Tĩnh: 4, Quảng Bình: 21, Huế: 2), 1 người mất tích, 30 người bị thương.
Cùng với đó, mưa lũ đã làm 26 nhà bị sập; 1.015 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1.786 nhà còn ngập. Về sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa bị ngập 1.081 ha; 3.627 ha hoa màu bị ngập, hư hại.
Về giao thông, 1 điểm đường quốc lộ bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông (tại Quốc lộ 15 Quảng Bình chưa thông tuyến). 5 điểm đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn bị ngập, sạt lở gây ách tắc giao thông, trong đó, 2 điểm ở Hà Tĩnh, 3 điểm ở Quảng Bình; đường sắt bị ngập ở Quảng Bình đã thông tuyến từ Đồng Hới đi ra Bắc.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh Nam Bộ. Trong đó, tại tỉnh Bình Dương đã có 1 người chết, 2 người bị thương; diện tích đất nông nghiệp bị ngập hơn 670 ha. Nhiều tuyến đường bị ngập từ 0,2-1,2m gây tê liệt giao thông. Ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu khoảng 1,3 tỷ đồng.
Tại các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, do mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây ngập úng nhiều tuyến đường, chiều sâu ngập trung bình từ 30 – 50cm, có nơi trên 50cm. Thời điểm triều cường xảy ra đúng vào giờ tan tầm đã làm nhiều tuyến đường giao thông bị ùn tắc nghiêm trọng trong nhiều giờ. Ngay sau khi triều rút, hầu hết các tuyến đường nước đã thoát hết, chỉ còn một số khu vực trũng thấp còn ngập nước.
Về diễn biến cơn bão số 7, hồi 4h ngày 18/10, vị trí tâm bão ở vào 18,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 4h ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ 60km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13-14. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được: phía Bắc Vĩ tuyến 16 và phía Tây Kinh tuyến 114,5. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; sóng biển cao 4-6m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Theo Báo cáo số 422/BC-CQTT của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h ngày 18/10/2016, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.739 phương tiện, tàu, thuyền/288.683 người và 3.080 lồng bè nuôi trồng thủy sản/3.678 người biết thông tin, vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 7 để chủ động các biện pháp phòng, tránh.
Về tình hình sản xuất nông nghiệp, riêng thu hoạch lúa mùa các tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện còn 250.000 ha/973.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch. Trong đó, Quảng Ninh 18.000 ha/25.000 ha; Hải Phòng 30.000 ha/39.000 ha; Thái Bình 25.000 ha/78.000 ha; Nam Định 50.000ha/77.000ha; Ninh Bình 10.000 ha/37.000 ha. Về diện tích gieo trồng vụ Đông các tỉnh phía Bắc đạt 243.000 ha/429.000 ha (đạt 56% kế hoạch). Lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đạt 3.536 lồng/4.148 người.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, để ứng phó với bão số 7, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ việc ra khơi, thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; tiếp tục tổ chức cấm biển, hướng dẫn việc sắp xếp neo đậu tàu thuyền tại bến kể cả tàu du lịch.
Tổ chức kiểm tra, sơ tán dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, dân cư tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tùy theo diễn biến của bão, lũ để quyết định cho học sinh nghỉ học; thông báo, kiên quyết sơ tán đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Đồng thời, kiểm tra an toàn hồ đập (hồ thủy lợi và thủy điện), đặc biệt là các công trình đang thi công, nhất là công trình trên sông, suối các khu vực khai thác than, khoáng sản. Tiếp tục thực hiện Công điện số 30/CĐ-TW ngày 17/10 của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Công điện số 1829/CĐ-TTg ngày 16/10 của Thủ tướng Chính phủ.
Về khắc phục hậu quả mưa, lũ khu vực miền Trung, các địa phương cần tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; huy động lực lượng tổ chức khắc phục hậu quả vệ sinh môi trường; tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại, xác định nhu cầu cứu trợ. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện: số 1826/CĐ-TTg và số 1827/CĐ-TTg ngày 15/10; số 1829/CĐ-TTg ngày 16/10 của Thủ tướng Chính phủ./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()