Mưa lũ, sạt lở gây thiệt hại tại nhiều địa phương
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn từ ngày 14 đến 15-5 đã gây thiệt hại tại huyện Chiêm Hóa cụ thể: sáu nhà ở; bốn nhà bếp bị hư hỏng, sập đổ; 29,8 ha lúa và 8,5 ha hoa màu bị thiệt hại; hơn 4,5 ha mía bị ngập, đổ gãy; 11 con gia súc và 70 con gia cầm bị chết.
Hai cầu tạm, một cầu phao bị lũ cuốn trôi, một cầu bị xói lở mố trụ. Sạt lở ta-luy tại các tuyến đường liên xã và liên thôn tại Yên Lập, Bình Phú, Phú Bình gây ách tắc, giao thông đi lại khó khăn… Ước tổng giá trị thiệt hại hơn hai tỷ đồng.
* Tại tỉnh Nghệ An, từ ngày 15 đến 16-5, mưa lớn kèm theo lốc xoáy trên địa bàn hai huyện: Tương Dương và Quỳ Hợp. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh thống kê có 91 nhà bị ngập (nước đã rút); 554 m tường rào bị đổ; bốn nhà văn hóa thôn, xóm và một điểm trường bị ảnh hưởng thiệt hại; 9,4 ha lúa và 52 ha hoa màu bị thiệt hại; 0,6 ha cây trồng hằng năm bị thiệt hại; 1.740 con gia cầm bị chết; 7.376 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 6.530 m kênh mương bị vùi lấp; một công trình cấp nước hư hỏng; 2.732 m đường thôn xã bị sạt lở; năm cầu tạm và 10 cái cống bị hư hỏng. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng hơn 6,5 tỷ đồng.
* Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, vào khoảng 9 giờ ngày 16-5, tại tổ 3, ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu (đoạn gần nhà máy Chí Tâm) xảy ra sạt lở bờ kênh Xáng với chiều dài 30m, ăn sâu vào đất liền 7 m làm hai căn nhà bị sạt lở xuống sông (đã được địa phương vận động di dời người và tài sản từ trước).
* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau, vào khoảng 1 giờ ngày 16-5-2017, tại ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn xảy ra vụ sạt lở ven sông Cửa Lớn (dài 26 m, rộng 3 đến 6 m) gây thiệt hại mái che, sân bê-tông trước trại tôm giống của ba hộ dân, ước tính thiệt hại khoảng 520 triệu đồng và vẫn còn tiếp tục có nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.
* Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, hai hình thế là vùng hội tụ gió Tây Nam trên cao và gió Tây Nam tác động lên thời tiết của hai nửa đất nước. Ở phía bắc, vùng hội tụ gió Tây Nam ở trên độ cao 3.000 đến 5.000 m hoạt động mạnh gây mưa cho cả khu vực rộng từ phía bắc xuống đến Thừa Thiên – Huế. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nằm trong vùng hoạt động của gió Tây Nam gây mưa diện rộng, tập trung chủ yếu về chiều và tối, có điểm mưa vừa, mưa to và dông. Các vùng biển từ Bình Ðịnh đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, đảo Phú Quốc, Thổ Chu đề phòng mưa dông, lốc xoáy. Vịnh Bắc Bộ, ngoài khơi huyện đảo Hoàng Sa cũng nằm trong cảnh báo mưa dông. Huyện đảo Trường Sa mưa vài nơi, tầm nhìn xa trên 10 km, gió cấp 3, cấp 4.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()