Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía bắc
Tính đến hết chiều 13/10, đợt mư lũ tại các tỉnh phía bắc đã làm 58 người chết, 38 người mất tích, 31 người bị thương, 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp. Ảnh: Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai |
Lũ lớn đã gây ra 60 sự cố trên các tuyến đê tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến. Một số xã vùng cao tại Sơn La, Hoà Bình bị cô lập.
Sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tỉnh đã huy động trên 300 người cùng phương tiện, thiết bị để tìm kiếm cứu nạn. Đến chiều 12/10 đã tìm được 9 thi thể nạn nhân bị vùi lấp, số nạn nhân còn lại đang tiếp tục tìm kiếm.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết ngoài nguyên nhân khách quan còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.
Thực tế, khu vực ở miền núi người dân đã phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà dẫn đến thiệt hại về người. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán.
Một số tỉnh miền núi như Sơn La, Yên Bái đã xuất hiện nhiều những cánh rừng nguyên sinh bị “cạo trọc”, thay vào đó là những nương ngô. Do đó, khi có mưa lũ, sẽ không được những cánh rừng che chắn nên mới gây sạt lở đất đá. Việc khôi phục những cánh rừng phải mất hàng chục năm.
Đề cập đến vấn đề hồ Hòa Bình xả lũ cấp tập trong đêm và đóng tất cả các tổ máy tại Thủy điện Sơn La, ông Trần Quang Hoài cho biết ở miền Bắc, từ 15/9 là kết thúc mùa mưa, từ 15-30/9, hồ Hòa Bình được phép tích nước ở cao trình 117m. Khi xuất hiện mưa lớn từ 9-12/10, nước về hồ Hòa Bình rất lớn.
Theo quy trình, 6 tiếng phải mở một cửa xả, nhưng nước đến dồn dập nên phải xả cấp tập. Công ty Thủy điện Hòa Bình đã thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ra thông báo về việc mở cửa xả để chính quyền và người dân biết chủ động phòng tránh, việc làm đó là đúng quy trình, quy định.
Đối với lệnh đóng tất cả các tổ máy phát điện tại Thủy điện Sơn La, ông Hoài cho rằng đây là một quyết định linh hoạt, thông minh và giúp chủ động hơn trong việc ứng phó với vấn đề xả lũ và an toàn cho hạ du. Bởi nếu không đóng các tổ máy phát điện sẽ gây nguy hiểm cho hồ Hòa Bình và phía hạ du, trong khi đó lượng mưa đến hồ thủy điện Sơn La không cao, không ảnh hưởng đến Thủy điện Sơn La.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()